Bếp là của phụ nữ

Chia sẻ

Ngày xây nhà, thiết kế nội thất gian bếp, lựa chọn đồ dùng, chồng tôi bảo bếp là của phụ nữ, em thích làm thế nào, mua sắm đồ dùng gì tùy ý, anh “đứng ngoài”. Mẹ chồng tôi đứng bên phụ họa: “Con đừng bắt chồng để ý chuyện nồi niêu, bát đũa, nó hèn người đi…”. Tôi hụt hẫng tự hỏi: “Tại sao gian bếp chỉ dành riêng cho phụ nữ, trong khi đàn ông cũng là người thụ hưởng?”.

Bếp là của phụ nữ - ảnh 1 (Ảnh: Minh họa)

25 tuổi, tôi kết hôn với người đàn ông mà tôi nghĩ đã yêu và sẽ vì mình mà làm tất cả. Thế nhưng khi về sống cùng nhau, những bất đồng trong quan điểm sống lộ ra ngày một nhiều khiến tôi vô cùng hụt hẫng. Khi chưa lấy chồng, tôi sống trong gia đình bố mẹ là công nhân làm ca, vào hai khung giờ khác nhau. Vì vậy, chuyện đi chợ, nấu ăn, cả bố và mẹ đều phải làm. Gia đình tôi quan niệm ai cũng phải làm việc nhà, tùy theo sức của mình, và không có việc nào là "của riêng" một người. Điển hình như chuyện nấu ăn, đi chợ, mẹ nói nếu cứ mặc định đó là nghĩa vụ của phụ nữ thì cả nhà sẽ… "chết đói". Vì mẹ còn phải đến nhà máy làm việc, không thể ở nhà nấu nướng ngày 3 bữa. Chuyện "bình đẳng từ gian bếp" của nhà tôi được hình thành từ nếp nghĩ đó.

Lấy chồng, tôi mang sự bình đẳng bếp núc ấy vào cuộc sống hôn nhân của mình. Nhưng vì sống chung với bố mẹ chồng, chuyện đi chợ, nấu nướng, vợ chồng tôi ít khi phải làm.

Bởi bố mẹ chồng về hưu có thời gian lo chuyện ăn uống cho gia đình. Hàng ngày nhìn thấy mẹ chồng vào bếp nấu ăn, tôi cứ nghĩ mẹ có nhiều thời gian, lại "yêu bếp" nên công việc đó là niềm vui của bà. Tôi không biết bà cần mẫn làm việc đó như một nghĩa vụ và mặc định đó là việc của phụ nữ, đàn ông không thể chia sẻ trở lại. Cho đến ngày, vợ chồng tôi xây nhà sống riêng.

Hôm ấy, tôi hẹn bên công ty làm nội thất bếp đến nhà trao đổi thiết kế, mua sắm đồ dùng khi hoàn thiện, chồng và mẹ chồng tôi cũng có mặt ở đó. Tuy nhiên, khi tôi hỏi ý kiến anh về chuyện dùng bếp từ hay bếp ga, có nên lắp thêm lò nướng, máy sấy bát đũa để đưa vào bản vẽ, chồng tôi đã dửng dưng đứng ngoài cuộc.

Anh nói "bếp là của phụ nữ" nên không quan tâm. Là đàn ông, anh chỉ quan tâm tổng thể ngôi nhà, chuyện bếp núc sau này là “của riêng tôi” nên thiết kế thế nào, mua đồ gì là "quyền" của tôi. Bữa đó, mẹ chồng tôi cũng đồng tình với con trai.

Làm nhà xong, chúng tôi chuyển ra ngoài sống riêng, và mọi bất đồng trong chuyện bếp núc, việc nhà lộ diện.

Tôi vận dụng quan điểm chia việc nhà, xem đó là trách nhiệm của cả vợ chồng mà bố mẹ tôi vẫn thường làm. Tôi cũng nói nhiều về vấn đề "bình đẳng trong gian bếp". Thế nhưng, chồng tôi vẫn mặc định chuyện bếp núc là của phụ nữ. Mỗi lần hai vợ chồng cãi nhau, anh bỏ về bên nhà bố mẹ để ăn uống, bỏ mặc vợ con.

Mẹ chồng tôi vài lần tìm sang chỉ trích tôi việc bắt chồng vào bếp nấu ăn. Tôi cũng phân tích cho bà hiểu mình không thể xoay xở được việc nhà, việc chăm sóc con lẫn việc cơ quan. Do đó, chồng phải chia sẻ với vợ. Tuy nhiên, bà vẫn không đồng ý với quan điểm của tôi mà còn quả quyết không có chuyện vợ đòi bình đẳng với chồng trong gian bếp, như thế là "hạ bệ" chồng, làm mất vai trò uy nghiêm của chồng trong gia đình. Bà cho rằng dạy con trai chuyện bếp núc sẽ khiến nó "nữ hóa" nên từ nhỏ đến lớn chưa từng bắt con vào bếp nấu nướng, dọn dẹp. Rồi, bà lấy ví dụ mấy chục năm nay bà cũng quán xuyến bếp núc một mình, gia đình mới hạnh phúc ấm êm.

Tôi không đồng ý với quan điểm đó nhưng chẳng thể nào thay đổi quan điểm của chồng và mẹ chồng. Tại sao chuyện ăn uống, đàn ông và phụ nữ đều thụ hưởng như nhau, nhưng gánh nặng cơm nước, chợ búa lại chị đặt lên vai người phụ nữ. Chuyện bình đẳng từ gian bếp, thật sự khó khăn đến thế sao?

Nguyễn Thị Thu Hường
(Thanh Xuân Trung,
Thanh Xuân, Hà Nội)

Câu chuyện bếp núc có phải là của riêng phụ nữ; đàn ông khi đi chợ, nấu ăn có thật sẽ mất đi vai trò trụ cột, sự uy phong của mình; dạy con trai nấu ăn, rửa bát là khiến con “nữ hóa” dần… từ câu chuyện của bạn Nguyễn Thị Thu Hường đã đặt ra vấn đề bình đẳng từ trong gian bếp có hay không? Và tại sao chúng ta lại không thể thiết lập sự bình đẳng trong gia đình bắt đầu từ gian bếp nhà mình… Để có cái nhìn sâu rộng về vấn đề này, mời bạn đọc tham gia Diễn đàn gia đình “Bình đẳng từ gian bếp: Tại sao không?”.

Bài thảo luận được đăng tải trên báo Phụ nữ Thủ đô sẽ được trả nhuận bút và báo biếu theo quy định.

Ý kiến thảo luận gửi về chuyên mục Hôn nhân Gia đình, báo Phụ nữ Thủ đô, số 7 Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy, Hà Nội, hoặc email: baophunuthudo@gmail.com

Tin cùng chuyên mục

Đánh mất hạnh phúc

Đánh mất hạnh phúc

(PNTĐ) - Đồng hồ điểm báo đã 12 rưỡi đêm. Ông An cứ trằn trọc mãi vẫn không sao ngủ được. Đêm thanh vắng, tiếng con tắc kè kêu trong đêm thanh vắng nghe càng não nùng.
Hạnh phúc bất ổn vì “con anh, con em”

Hạnh phúc bất ổn vì “con anh, con em”

(PNTĐ) - Anh chị bước vào cuộc hôn nhân kiểu “rổ rá cạp lại”, mang theo “con anh, con em” để cùng nhau xây dựng một gia đình mới. Những tưởng, sẽ gây dựng được một tổ ấm sau những đổ vỡ trước đó, nhưng mọi thứ lại một lần nữa bất ổn với họ.
Mẹ chồng là tri kỷ

Mẹ chồng là tri kỷ

(PNTĐ) - Ngày về làm dâu, chị Nguyễn Bích Nhung (32 tuổi, huyện Quốc Oai, Hà Nội) kể, mẹ chồng nói với chị: “Một khi mẹ đón con về làm dâu thì mẹ sẽ coi con như con gái trong nhà. Mẹ không muốn con dâu phải khổ vì ngày xưa làm dâu mẹ đã khổ lắm rồi…”.
Kho báu của bố

Kho báu của bố

(PNTĐ) - Năm nào cũng thế, trước ngày sinh nhật tôi mấy ngày, bố tôi thể nào cũng gọi điện cho con gái và trịnh trọng thông báo: “Tôi đã cất vào kho lưu trữ của cô rồi nhé”. Kho lưu trữ của bố là một chiếc hộp thiếc, và thứ bố cất là tờ lịch của ngày 25 tháng 4”.