Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

BẢO NAM
Chia sẻ

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.

1.

12 tuổi, Trọng (quê Tĩnh Gia, Thanh Hóa) ra Hà Nội đánh giày mưu sinh 3 năm nay. Trọng kể, em đã từng có một gia đình êm ấm với một người cha tốt bụng, hết lòng yêu vợ con. Thế nhưng, gia đình hạnh phúc của Trọng bị mẹ em đẩy vào cảnh “nhà tan cửa nát” chỉ vì sự không chung thủy của mình. Kinh tế gia đình khó khăn, bố Trọng bỏ ruộng vườn lại cho vợ ra Hà Nội làm cửu vạn ở chợ Long Biên. Những ngày tháng đó, bố Trọng làm việc bất kể ngày đêm để có thêm đồng ra đồng vào gửi về cho vợ con. Kinh tế gia đình nhờ đó mà được cải thiện chút đỉnh.

Tuy nhiên, sự vắng mặt lâu ngày của bố Trọng đã khiến người đàn ông xã bên sinh lòng ái muội với mẹ Trọng. Người phụ nữ ấy đã lạc lối trong cuộc tình bất chính. Một đêm, bố Trọng về thăm nhà mà không báo trước. Ở Hà Nội, anh nghe người quen kể chuyện vợ mình lăng nhăng tư tình với người đàn ông khác, nhưng anh không tin vì nghĩ vợ không phải là loại phụ nữ hư hỏng. Tuy nhiên, anh chẳng buông bỏ sự ngờ vực ngày một lớn trong lòng khi những câu chuyện về vợ mình cứ ngày một nhiều lên. Vậy nên, đêm đó, anh bí mật về nhà và đau lòng chứng kiến sự phản bội của vợ.

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch - ảnh 1
Ảnh minh họa

Dù tức giận nhưng anh nghĩ rằng làm lớn chuyện thì “xấu chàng hổ ai”, rồi sau tất cả, con cái phải chịu khổ. Vậy nên, đêm đó, anh bình tĩnh nói chuyện với vợ, bảo sẽ tha thứ cho chị, để gia đình vẫn bình yên. Cứ ngỡ, vị tha và trừ cho vợ một lối về sau lầm lỗi thì hạnh phúc sẽ như xưa. Nhưng, mẹ Trọng là người phụ nữ u mê trong mối tình lạc lối bất chấp tất cả. Chị ta vẫn chứng nào tật nấy, thậm chí còn ngoại tình công khai một cách ngang nhiên, không còn che giấu, lén lút như trước đây.

Ông bà ngoại Trọng nhiều lần tìm đến bảo muốn giết chết đứa con gái hư hỏng cho đỡ nhục nhã gia đình. Vì họ hết lời khuyên nhủ con gái nhưng không thành.

Hai năm sống u uất trong sự phản bội của vợ, bố Trọng bỏ hết tự trọng sĩ diện của người đàn ông để giữ gia đình cho các con. Tuy nhiên, sự bất chấp của mẹ Trọng càng khiến ông bế tắc để rồi quyết định tìm đến cái chết để “thức tỉnh” vợ ra khỏi con đường lầm lỗi ấy. Sau đám tang của cha, Trọng bỏ học, bỏ nhà ra Hà Nội, theo một đàn ông trong xóm gia nhập hội đánh giày để mưu sinh. Từ đó đến nay, mỗi lần về quê, Trọng chỉ ghé nhà ông bà ngoại chơi một hai hôm rồi lại quay ra Hà Nội. Trọng không nhìn mặt mẹ mình vì cho rằng bà không còn xứng đáng làm mẹ để mình tôn trọng, yêu thương nữa.

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch - ảnh 2
Ảnh minh họa

2.

15 tuổi, học xong lớp 9, Nguyễn Mai Thương (trú tại tỉnh Thái Bình) theo chị họ ra thành phố làm giúp việc cho một gia đình bán hàng ăn ở Hà Nội. Công việc hàng ngày của Thương là phụ dọn bàn, rửa bát. Vất vả nhưng có cái ăn, cái mặc, có một nơi để trú chân sau khi bị bố đuổi ra khỏi nhà.

Thương kể, mình cũng đã từng có một gia đình, được sống trong tình yêu thương đầy đủ của bố mẹ. Nhưng rồi, gia đình của em đổ vỡ khi bố em có người phụ nữ khác bên ngoài. Đến giờ, trong ký ức của Thương vẫn khắc ghi những chuỗi ngày sóng gió của gia đình mình. Bố Thương u mê trong mối tình bất chính với người phụ nữ lỡ thì ở làng bên.

Ngày nào, chị em Thương cũng nghe bố chửi mắng mẹ, bảo một là chấp nhận “chồng chung”, hai là ly hôn, ra ngoài mà sống. Mẹ Thương chẳng chấp nhận cả hai yêu cầu của bố Thương đưa ra, bảo bà sống chỉ có một chồng, chết cũng chỉ làm ma một chồng, không có chuyện chung chồng với bất kỳ người nào khác.

Để cho vợ thấy khổ mà buông, bố Thương ngoài dùng lời để mắng chửi còn dùng tay chân để hành hạ mẹ con em. Việc ông đòi bỏ vợ, bỏ con, người thân, họ hàng chẳng ai đồng ý nên bênh vực mẹ con Thương và phê phán ông. Thấy vậy, bố Thương chuyển sang phương án khác, ông đem bán dần đồ đạc, tài sản để chuyển sang ở cùng với “vợ bé”.

Đỉnh điểm cuối cùng là ông gọi người đến bảo bán ngôi nhà cùng mảnh đất cả nhà Thương ở ổn định để mang tiền sang xây nhà mới cho “vợ bé”. Mẹ Thương như bị đẩy đến tận cùng của sự nhẫn nhịn và uất ức nên đã uống thuốc diệt cỏ để tự vẫn. Thương và em trai bỗng dưng mồ côi mẹ, sống với người bố chẳng có chút tình thương, lại còn suốt ngày bị “vợ bé” của bố bày mưu tính kế đuổi ra khỏi nhà.

Thương bảo ngày hôm đó đi học về nhà thấy “vợ bé” của bố đang đánh em trai. Thương lao vào ngăn cản để bảo vệ em, bằng sự căm phẫn Thương đã đẩy người đàn bà đó ngã. Chẳng ngờ, sau cú ngã ấy, “vợ bé” của bố bị sẩy thai. Trong cơn tức giận, ông đuổi con gái ra khỏi nhà, bảo từ nay không chứa chấp “loại con bất hiếu” này nữa. Đêm đó, Thương sang ngủ nhờ nhà chị họ, một tuần sau bỏ lại giấc mơ học hành lên cao, theo chị họ ra Hà Nội xin việc làm.

Mấy năm nay, em trai Thương cũng phải về sống với ông bà nội, vì bị “vợ bé” của bố suốt ngày hành hạ. Ông bà nội nghèo thương cháu nên cưu mang nhưng già yếu nên chẳng đủ sức nuôi cháu ăn học. Vì thế, Thương ngoài việc đi làm nuôi mình còn phải gánh cả trách nhiệm phụ ông bà nuôi em. Mẹ mất, có bố cũng như không, chị em Thương lớn lên trong sự căm hận người cha tồi tệ.

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch - ảnh 3
Ảnh minh họa

3.

Trọng và Thương chỉ là hai trong số những đứa trẻ lớn lên mang trong mình sự tổn thương nặng nề bởi chính người thân ruột thịt. Những người cha, người mẹ ích kỷ sống theo bản năng cá nhân của mình, bất chấp đạo đức gia đình khiến tổ ấm đổ vỡ, đẩy những đứa con vào bất hạnh. Điều đau lòng nhất là những đứa con ấy lớn lên lòng đầy oán hận đối với bố, mẹ mình.

Trọng bảo cả cuộc đời này cậu sẽ không bao giờ tha thứ cho người mẹ xấu xa ấy. Hơn một năm nay, nghe nói bà mẹ mắc bệnh ung thư nhưng Trọng chưa một lần ghé thăm. Có lần, cậu bạn cùng hội đánh giày hỏi Trọng nếu sau này bà ấy mất thì cậu có về chịu tang rồi thờ cúng bà ấy không vì dù sao bà ấy cũng là người sinh ra mình. Trọng bảo, người mẹ ấy không xứng đáng để cậu thực hiện đạo hiếu.

Thương cũng tương tự. Nỗi oán hận người cha tồi tệ đã khiến em không tài nào buông bỏ quá khứ. Gần một tháng nay, Thương nghe nói bố mình đang nằm điều trị bệnh ở một bệnh viện ở Hà Nội. Mấy lần, người chị họ gợi ý Thương nên đến thăm cha, xấu tốt gì thì con cái cũng chẳng bỏ được cha mẹ. Nhưng Thương không thể nào vượt qua được tâm lý “hận cha” để đến thăm ông. Mấy lần, em đến trước cổng bệnh viện nơi ông đang điều trị, nhưng rồi không vào mà lặng lẽ quay về.

Chẳng có đứa con nào được quyền chọn cha mẹ cho mình. Dù cha mẹ thế nào đi chăng nữa thì nghĩa vụ làm con, đạo hiếu vẫn phải đặt lên làm đầu. Nhưng trong cuộc sống, có những người cha, người mẹ lại đẩy con mình vào bi kịch bởi chính hành vi sống sai lầm của mình, khiến chúng phải sống mãi trong nỗi đau, nỗi oán hận với chính tình thân ruột thịt.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Đánh mất hạnh phúc

Đánh mất hạnh phúc

(PNTĐ) - Đồng hồ điểm báo đã 12 rưỡi đêm. Ông An cứ trằn trọc mãi vẫn không sao ngủ được. Đêm thanh vắng, tiếng con tắc kè kêu trong đêm thanh vắng nghe càng não nùng.
Hạnh phúc bất ổn vì “con anh, con em”

Hạnh phúc bất ổn vì “con anh, con em”

(PNTĐ) - Anh chị bước vào cuộc hôn nhân kiểu “rổ rá cạp lại”, mang theo “con anh, con em” để cùng nhau xây dựng một gia đình mới. Những tưởng, sẽ gây dựng được một tổ ấm sau những đổ vỡ trước đó, nhưng mọi thứ lại một lần nữa bất ổn với họ.
Mẹ chồng là tri kỷ

Mẹ chồng là tri kỷ

(PNTĐ) - Ngày về làm dâu, chị Nguyễn Bích Nhung (32 tuổi, huyện Quốc Oai, Hà Nội) kể, mẹ chồng nói với chị: “Một khi mẹ đón con về làm dâu thì mẹ sẽ coi con như con gái trong nhà. Mẹ không muốn con dâu phải khổ vì ngày xưa làm dâu mẹ đã khổ lắm rồi…”.
Kho báu của bố

Kho báu của bố

(PNTĐ) - Năm nào cũng thế, trước ngày sinh nhật tôi mấy ngày, bố tôi thể nào cũng gọi điện cho con gái và trịnh trọng thông báo: “Tôi đã cất vào kho lưu trữ của cô rồi nhé”. Kho lưu trữ của bố là một chiếc hộp thiếc, và thứ bố cất là tờ lịch của ngày 25 tháng 4”.