Những đứa trẻ “ở trọ” trong nhà

Nguyễn Huyền
Chia sẻ

(PNTĐ) - Cuộc sống thời công nghiệp hóa đang rút ngắn lại thời gian cha mẹ dành cho con cái, lấy đi sự gắn kết của ông bà đối với con cháu. Vô hình trung, có những đứa trẻ lớn lên mà không biết truyền thống của gia đình, thờ ơ với sự thay đổi của các thành viên, và giống như những “khách ở trọ” ngay chính trong nhà mình.

Từ những đứa trẻ siêu... vô tư

"Đừng trách bọn trẻ bây giờ không biết nhiều về lịch sử dân tộc đến truyền thống gia đình chúng nó còn chẳng nắm được nữa là... Thằng cháu nhà tôi học lớp 10 rồi mà hôm qua nó mới biết bà nội của nó thời trẻ là một nữ chiến sĩ cách mạng anh dũng qua một tờ báo gói chiếc bánh mì ăn sáng. Chúng nó sống bây giờ chẳng khác gì “khách ở trọ” trong nhà, chẳng chú ý mà hình như chúng chẳng cần biết thì phải..."- câu chuyện bà cụ hàng xóm với cô chủ nhà bên cạnh khiến tôi giật mình.

Bà cụ kể tiếp, trước đây hai vợ chồng già sống với nhau ở Quảng Trị. Con trai ông bà học hành thành đạt, chọn Thủ đô lập thân, lập nghiệp. Khi ông cụ bị bệnh qua đời, con trai bà đón mẹ về sống với mình. Từ ngày ra thành phố sống chung với con cái, cứ tưởng sẽ vui hơn, ai ngờ bà còn “cô đơn” hơn thời sống một mình ở quê. Bà có hai đứa cháu nội nhưng hàng ngày chúng đi học ở trường nhiều hơn ở nhà. Cả ngày học ở trường, chiều tối, bố mẹ đón từ trường đến thẳng nhà cô giáo, hoặc trung tâm để học thêm. Đến 9, 10 giờ tối mới về đến nhà. Bấy giờ, chúng chỉ chào hỏi bà qua loa rồi lên phòng tắm rửa lăn ra ngủ, sáng mai quay lại hành trình như thế. Thậm chí có tuần, bà còn không được ăn cơm chung với chúng lần nào.

Những đứa trẻ “ở trọ” trong nhà  - ảnh 1
Ảnh minh họa

Hai đứa cháu nội của bà học rất giỏi, giấy khen, bằng khen treo đầy nhà. Trước đây, khi ông bà còn sống ở quê, bố mẹ chúng mỗi năm tranh thủ ngày giỗ, Tết về chốc lát rồi đi. Bọn trẻ ít khi được bố mẹ cho về quê cùng vì lý do đường xa, bận học… Ông bà có sức khỏe thì cố gắng ít năm ra thăm con cháu một, hai tuần rồi về.

Nói là ra chơi với con cháu nhưng cũng chẳng được gần chúng là bao, bởi lịch học văn hóa, học đàn, học đá bóng, cầu lông cứ kín mít cả tuần, chẳng đứa nào có nhiều thời gian cho ông bà. Vậy nên lần nào ra thành phố chơi với con cháu được ít ngày là ông bà lại về quê ngay.

Hôm nọ, thằng bé học lớp 10 đi học về ôm chầm lấy bà rồi hét toáng lên "Bà là một nữ chiến sĩ cách mạng anh dũng, bà giỏi thế mà cháu chẳng biết gì cả". Hoá ra, hôm ấy đi học, thằng bé lấy chiếc bánh mỳ mẹ nó mua hồi sáng ra ăn vô tình thấy một bà cụ giống bà nội mình “đang cười” trên tờ báo gói chiếc bánh mỳ đó.

Nó tò mò đọc thử thì phát hiện ra đó chính là bà nội mình thật. Tờ báo đó đăng câu chuyện của bà kể lại về một trung đội nữ chiến đấu dũng cảm ở chiến trường Quảng Trị ngày nào mà bà là một trong những người đó.

Bà cụ kể, bà đã nhiều lần muốn ngồi nói chuyện về các bậc cha ông cho con cháu nghe nhưng bé thì chúng chưa một lần được bố mẹ cho về quê, lớn lên lại túi bụi với chuyện học hành, đi khi bà chưa dậy, về khi bà đã đi nằm. Vậy nên nói chúng mù mờ về truyền thống gia đình cũng đúng.

Một câu chuyện khác, anh bạn tôi là thợ sửa chữa, bảo dưỡng đồ điện lạnh, một lần được một khách hàng ở phố trung tâm gọi đến nhà để sửa chiếc máy giặt đang bị hỏng. Bà chủ bảo cứ đến có cháu ở nhà. Ai ngờ khi anh bấm chuông, một cô bé khoảng 16 tuổi xuống mở cửa cứ khăng khăng bảo anh đến nhầm nhà vì nhà mình chưa mua máy giặt. Anh hỏi lại địa chỉ, số điện thoại, tên khách hàng đều trùng khớp nhưng cô bé một mực khẳng định là nhà mình chưa có máy giặt.

Anh liền yêu cầu cô bé gọi điện lại cho mẹ thì ngỡ ngàng khi nghe cô bé hỏi mẹ mua máy giặt từ bao giờ và hỏng từ lúc nào mà con không biết. Chẳng ai tin nổi, chiếc máy giặt đã tồn tại trong nhà cô bé đã được gần hai năm nay.

Hôm sau, anh được mẹ cô bé thanh minh rằng con mình từ bé đến lớn chẳng phải làm gì chỉ biết ăn rồi học và chơi, mọi việc trong nhà đều có người giúp việc làm hộ. Trong nhà nó chỉ biết từ phòng ăn, ra phòng khách đến phòng mình, ngoài ra chẳng ngó nghiêng một ngõ ngách nào khác trong nhà nên việc nhà sắm máy giặt từ bao giờ nó cũng chẳng biết.

Những đứa trẻ “ở trọ” trong nhà  - ảnh 2
Ảnh minh họa

Đến cách nuôi dạy con của bố mẹ

Nhà có mỗi một cô con gái duy nhất nên chị My (Hoàn Kiếm, Hà Nội) rất cưng chiều con. Ngoài việc học hành ra, Yến hầu như không phải động tay động chân vào bất cứ việc gì trong nhà bởi từ việc lớn đến việc nhỏ đều đã có bố mẹ và người giúp việc lo. Ngay cả quần áo của mình giặt xong, Yến cũng chưa bao giờ phải gấp cho vào tủ.

Tuy con gái “tù mù” chuyện bếp núc và việc vặt trong nhà nhưng bù lại chị My lại rất tự hào về thành tích học tập của con. Năm nào Yến cũng đứng đầu lớp, lại nằm trong đội tuyển học sinh giỏi. Mấy phong trào gì đó của trường Yến rất nhiệt tình tham gia. Chẳng thế mà trong nhà chị My treo đầy những bằng khen mà Yến đạt được.

Thỉnh thoảng, bố mẹ chồng ở quê lên nhắc nhở con dâu nên để cho con gái tham gia làm việc nhà sau này đi làm dâu, làm vợ đỡ khổ. Chị My bảo không phải lo bởi những công việc đó sau này sẽ có… người giúp việc làm cho. Cứ như thế Yến mải mê với việc học ở trường, học thêm ngoại ngữ, tin học để trang bị kiến thức cho cuộc sống hiện đại. Việc nhà cô bé không cần phải để ý, hay tham gia cùng với mọi người.

Nếu mọi việc lúc nào cũng trôi chảy như thế thì không có gì đáng bàn, một ngày bố đi công tác, người giúp việc nghỉ đột xuất, mẹ bị ốm không thể nào dậy nổi để lo cơm nước. Hôm đó, Yến loay hoay gần hết cả buổi vẫn không nấu nổi cho mẹ nồi cháo trắng. Dù được mẹ hướng dẫn cẩn thận nhưng Yến vẫn không tài nào hình dung ra các công đoạn mình cần thực hiện.

Đơn giản chỉ vì cô bé không biết xoong nồi nhà mình để chỗ nào, gạo cất ở đâu, bếp gas sử dụng ra sao. Vừa mệt vừa đói cuối cùng, chị My đành bảo con mở điện thoại đặt cháo trên mạng cho nhanh.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng một bộ phận con cái ngày nay sống như một khách trọ trong chính nhà mình, không hẳn là do bản thân đứa trẻ đó vô tâm, vô tư mà một phần còn do các bậc bố mẹ tạo nên. Với tâm lý con cái nên chú tâm vào học hành nhiều hơn là làm việc nhà nên bố mẹ đã để con tách rời và sống thờ ơ với chính những người thân yêu của mình.

Mặt khác, với tâm lý thương con, yêu chiều, thấy con học hành bận rộn nên một số bậc cha mẹ đã cố tình đẩy con xa rời những công việc trong gia đình. Chính điều đó đã góp phần nuôi dưỡng căn bệnh “ở trọ” trong nhà của con cái. Đây là một sai lầm mà các bậc phụ huynh thời hiện đại cần nhìn nhận lại. Bởi hệ luỵ từ việc con cái vô cảm, thờ ơ với mọi thứ trong gia đình mình không hề nhỏ.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Đánh mất hạnh phúc

Đánh mất hạnh phúc

(PNTĐ) - Đồng hồ điểm báo đã 12 rưỡi đêm. Ông An cứ trằn trọc mãi vẫn không sao ngủ được. Đêm thanh vắng, tiếng con tắc kè kêu trong đêm thanh vắng nghe càng não nùng.
Hạnh phúc bất ổn vì “con anh, con em”

Hạnh phúc bất ổn vì “con anh, con em”

(PNTĐ) - Anh chị bước vào cuộc hôn nhân kiểu “rổ rá cạp lại”, mang theo “con anh, con em” để cùng nhau xây dựng một gia đình mới. Những tưởng, sẽ gây dựng được một tổ ấm sau những đổ vỡ trước đó, nhưng mọi thứ lại một lần nữa bất ổn với họ.
Mẹ chồng là tri kỷ

Mẹ chồng là tri kỷ

(PNTĐ) - Ngày về làm dâu, chị Nguyễn Bích Nhung (32 tuổi, huyện Quốc Oai, Hà Nội) kể, mẹ chồng nói với chị: “Một khi mẹ đón con về làm dâu thì mẹ sẽ coi con như con gái trong nhà. Mẹ không muốn con dâu phải khổ vì ngày xưa làm dâu mẹ đã khổ lắm rồi…”.
Kho báu của bố

Kho báu của bố

(PNTĐ) - Năm nào cũng thế, trước ngày sinh nhật tôi mấy ngày, bố tôi thể nào cũng gọi điện cho con gái và trịnh trọng thông báo: “Tôi đã cất vào kho lưu trữ của cô rồi nhé”. Kho lưu trữ của bố là một chiếc hộp thiếc, và thứ bố cất là tờ lịch của ngày 25 tháng 4”.