Sắc màu của mẹ

MAI CHI
Chia sẻ

(PNTĐ) -“Với một người yêu bếp, yêu gia đình như mình, thì chỉ có cách duy nhất là thổi lại lửa cho căn bếp đang lạnh lẽo để gắn kết tất cả, gắn kết các con, chữa lành cho chính bản thân”.

Nhiều bạn bè và những người có chung niềm đam mê nấu nướng trên mạng xã hội biết đến chị Đoàn Thị Kim Dung (làm việc tại ngân hàng nằm trên phường Mỹ Đình, Hà Nội) là một người mẹ rất say mê vào bếp. Món ăn được chị chia sẻ không chỉ trông hấp dẫn mà còn được chị gửi gắm câu chuyện về mấy mẹ con mỗi ngày. Với chị Dung, để có được không khí gia đình như bây giờ, chị phải cảm ơn những đứa con đã vực mình dậy.

Sắc màu của mẹ - ảnh 1
Chị Dung bên đàn con yêu của mình

Gia đình hiện tại là bến đỗ thứ hai của chị Dung, sau một lần đò chưa trọn vẹn. Từng hy vọng từ đây các con sẽ có một mái ấm đúng nghĩa, mình cũng không còn chống chếnh nữa, nhưng biến cố lại đến với chị bằng chứng trầm cảm sau sinh rất nặng. Giữa lúc mất niềm tin vào tất cả, trái tim trống rỗng, hoảng loạn, vẫn thật may khi chị còn chỗ dựa là người bố đã 80 tuổi và các anh chị em. Họ đã cho chị động lực để nuôi đứa con bé bỏng mới sinh.

Và một động lực khác, đặc biệt hơn nhiều. “Đó là một ngày tôi bỗng nhìn thấy Mickey và Mít (hai cháu là con riêng của tôi) gầy gò, ngơ ngác. Hai con chưa kịp hồi phục về chuyện gia đình tan vỡ thì lại phải ngơ ngác chia sẻ tình cảm của mẹ với 1 em bé mới. Thấy vậy tôi đau đớn lắm. Nên tôi quyết tâm thay đổi, quyết tâm dừng uống những viên thuốc trầm cảm, nghĩ đến điều tích cực để mạnh mẽ làm chỗ dựa cho các con”- chị Dung kể.

Mỗi ngày lại qua đi, căn bếp nhỏ ấm áp dần với những món ăn chị Dung nấu cho nhà. “Căn bếp nhỏ như người bạn tâm giao lặng lẽ cùng mình vượt qua những ngày tháng bĩ cực ấy bằng chính tình yêu với các con. Bỏ lại hết giông bão, mình tự nhủ phải cho các con thấy nghị lực của mẹ, tình yêu của mẹ và sự nỗ lực không ngừng của mẹ để bảo vệ gia đình”. Những chiếc bánh ngọt, những bữa cơm gia đình, những món ăn mang “sắc màu của mẹ” được chị Dung mang đến cho đàn con nhỏ.

Sau cơn mưa trời lại sáng. Nhờ những giờ ấm áp và bận rộn trong căn bếp, mà chị Dung đã tự “chữa lành” được căn bệnh trầm cảm tưởng vô phương cứu chữa. Căn bếp đã kéo lại tình yêu thương trong gia đình. Mỗi chiều đi học về, con riêng, con chồng, con chung đều ríu rít và quây quần bên căn bếp nhỏ của mẹ. “Nhưng có lẽ điều làm mình tự hào nhất chính là mình đã làm thành công “chiếc bánh đúc có xương” để mang yêu thương cho tất cả các con”.

Sắc màu của mẹ - ảnh 2
Những món ăn đẹp mắt, thơm ngon chị Dung làm cho các con

Vì thế, chị rất vui khi “ông xã và bọn trẻ nhà mình đều rất “tự hào” về mẹ. Ngày nào mấy mẹ con cũng đều tính xem ngày mai nấu món gì, ăn món gì hay các con thích nấu như nào. Hiếm khi cả nhà phải ra ngoài ăn nhà hàng lắm. Bữa sáng hay bữa tối đều đặn cả nhà ăn tại nhà để đảm bảo vệ sinh cũng như để “thưởng thức” các món ăn mà mẹ thay đổi hàng ngày”- chị Dung cho hay.

Chị tâm sự, muốn giống như mẹ của mình, nấu những món ăn cho các con để sau này khi các con lớn sẽ có ký ức đầy yêu thương và ấm áp về những món ăn mẹ nấu. Có thể đó không phải là những món ăn ngon nhất nhưng sẽ là những món ăn hợp khẩu vị của các thành viên trong gia đình và mang “mùi của mẹ”. Và với một người mẹ “đến sau”, chị tâm niệm, phải bù đắp và nỗ lực hơn người khác để yêu và thương các con một cách công bằng và thành thật nhất. “Nhà mình bây giờ này: con riêng của ông xã, con riêng của mình, con chung sống hoà thuận, đoàn kết và yêu thương nhau cũng như nghe lời bố mẹ. Mỗi con có một cá tính riêng, nhưng mình phải tự nhận là một bà mẹ chiều con lắm. Thế nên ở nhà, mỗi khi bố đi công tác là bọn trẻ kêu lên “zê, zê”. Nhưng mỗi lần mẹ thông báo đi công tác là đứa nào cũng ỉu xìu “ôi, chán”. Mẹ về là từ anh lớn đến em bé nhỏ đều ôm ấp, vồ vập mẹ mãi ấy”, trong ánh mắt của chị Dung long lanh vì hạnh phúc.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Đánh mất hạnh phúc

Đánh mất hạnh phúc

(PNTĐ) - Đồng hồ điểm báo đã 12 rưỡi đêm. Ông An cứ trằn trọc mãi vẫn không sao ngủ được. Đêm thanh vắng, tiếng con tắc kè kêu trong đêm thanh vắng nghe càng não nùng.
Hạnh phúc bất ổn vì “con anh, con em”

Hạnh phúc bất ổn vì “con anh, con em”

(PNTĐ) - Anh chị bước vào cuộc hôn nhân kiểu “rổ rá cạp lại”, mang theo “con anh, con em” để cùng nhau xây dựng một gia đình mới. Những tưởng, sẽ gây dựng được một tổ ấm sau những đổ vỡ trước đó, nhưng mọi thứ lại một lần nữa bất ổn với họ.
Mẹ chồng là tri kỷ

Mẹ chồng là tri kỷ

(PNTĐ) - Ngày về làm dâu, chị Nguyễn Bích Nhung (32 tuổi, huyện Quốc Oai, Hà Nội) kể, mẹ chồng nói với chị: “Một khi mẹ đón con về làm dâu thì mẹ sẽ coi con như con gái trong nhà. Mẹ không muốn con dâu phải khổ vì ngày xưa làm dâu mẹ đã khổ lắm rồi…”.
Kho báu của bố

Kho báu của bố

(PNTĐ) - Năm nào cũng thế, trước ngày sinh nhật tôi mấy ngày, bố tôi thể nào cũng gọi điện cho con gái và trịnh trọng thông báo: “Tôi đã cất vào kho lưu trữ của cô rồi nhé”. Kho lưu trữ của bố là một chiếc hộp thiếc, và thứ bố cất là tờ lịch của ngày 25 tháng 4”.