Dấu ấn từ sự chuyển động tích cực
(PNTĐ) - Trong bối cảnh đất nước đang bước vào kỷ nguyên chuyển đổi số và hiện đại hóa toàn diện, việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp không chỉ là yêu cầu khách quan của thực tiễn, mà còn là bước đi quan trọng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị Nhà nước.
Tại Hà Nội, quá trình triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp bước đầu đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Các địa phương vận hành theo mô hình mới cho thấy sự tinh gọn về tổ chức, rõ ràng trong phân cấp, phân quyền, từ đó tạo thuận lợi hơn trong công tác quản lý, điều hành và phục vụ nhân dân.
Tin tưởng mô hình mới
Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã là một nhiệm vụ lớn, được Thành ủy Hà Nội triển khai bài bản, đồng bộ theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, với mục tiêu xuyên suốt là tinh gọn bộ máy, tiết kiệm ngân sách, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước tại cơ sở. Tại Hà Nội, công tác này được tiến hành quyết liệt và chủ động. Hà Nội sắp xếp lại từ 526 xã, phường, thị trấn hiện có xuống còn 126 đơn vị hành chính cấp xã mới. Tất cả bộ máy mới bắt đầu vận hành từ ngày 1/7/2025.
Đây không chỉ là sự thay đổi về mặt cơ học trong tổ chức hành chính, mà còn là bước chuyển mình quan trọng để khởi động một mô hình quản trị mới – nơi chính quyền cấp xã, phường thực sự trở thành "cánh tay nối dài" của Nhà nước, trực tiếp tiếp xúc, đồng hành và phục vụ người dân, doanh nghiệp một cách thiết thực, gần gũi và hiệu quả hơn. Trong mô hình mới này, cấp xã sẽ không chỉ là nơi tiếp nhận thủ tục, mà còn là nơi chủ động giải quyết vấn đề, tháo gỡ vướng mắc, đưa chính sách đi vào cuộc sống một cách sát sao và kịp thời.

Thực tiễn cho thấy, mô hình chính quyền địa phương hai cấp đã và đang cho thấy nhiều ưu điểm rõ rệt. Bộ máy tổ chức được tinh giản, hạn chế sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, đơn vị; từ đó tăng cường tính chuyên nghiệp, hiện đại và hướng đến phục vụ người dân một cách hiệu quả hơn.
Về phía đội ngũ cán bộ, công chức, tuy có những bỡ ngỡ ban đầu do thay đổi trong chức năng, nhiệm vụ và địa bàn công tác, song đa số đều cho thấy tinh thần chủ động thích nghi và nỗ lực nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng số, khả năng phối hợp. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, giải quyết thủ tục hành chính không chỉ giúp giảm tải áp lực cho bộ máy, mà còn tạo nền tảng để chính quyền địa phương chuyển mình theo hướng hiện đại, minh bạch và phục vụ hơn.
Về phía người dân, những “điểm nghẽn” trong xử lý công việc hành chính từng tồn tại nhiều năm nay đã dần được tháo gỡ. Người dân không còn phải mất thời gian đi lại nhiều lần giữa các cơ quan công quyền; thay vào đó, các thủ tục hành chính được rút gọn đáng kể. Nhiều người dân chia sẻ rằng các thủ tục giờ đây nhanh gọn hơn, thái độ phục vụ cũng thân thiện, chuyên nghiệp hơn. Với họ, chính quyền không còn là một thiết chế xa cách, mà ngày càng trở nên gần gũi, đồng hành cùng cuộc sống thường nhật.
Bà Lê Thị Tuyết, cư dân phường Phương Liệt chia sẻ thẳng thắn: Trước đây khi thực hiện mô hình chính quyền ba cấp, mỗi lần cần làm thủ tục hành chính là một lần vất vả. Có những việc tưởng đơn giản nhưng phải đi lại nhiều lần. Ra phường thì được hướng dẫn lên quận, lên quận lại chỉ ngược về phường. Chính vì vậy, bà rất đồng tình với chủ trương thực hiện chính quyền địa phương hai cấp. Theo bà, việc gì xã, phường có thể giải quyết được thì cần mạnh dạn giao quyền, để giảm phiền hà cho người dân. Cùng với đó là yêu cầu lựa chọn đội ngũ cán bộ cấp cơ sở phải thực sự có năng lực và đạo đức, không gây khó dễ hay sách nhiễu khi tiếp dân, giải quyết công việc.
Để mô hình chính quyền hai cấp vận hành thông suốt, bà Tuyết đề xuất cần thiết lập một kênh phản ánh chính thức, nơi người dân có thể gửi ý kiến, kiến nghị, phản ánh những khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình thực hiện các thủ tục. Như vậy, các cấp chính quyền mới có thể lắng nghe, điều chỉnh kịp thời và phục vụ nhân dân tốt hơn.

Tăng tính chủ động trong xử lý công việc
Mô hình chính quyền địa phương hai cấp đã và đang cho thấy nhiều ưu điểm rõ rệt. Tại nhiều địa phương, những “điểm nghẽn” trong xử lý công việc hành chính dần được tháo gỡ. Phường Bạch Mai (mới) là một trong những địa phương đi đầu trong công tác vận hành thử mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Ban Chấp hành Đảng ủy phường đã tổ chức thành công Hội nghị lần thứ nhất và lần thứ hai Ban Chấp hành Đảng bộ phường khóa I, nhiệm kỳ 2025–2030.
Tại đây, các đại biểu đã thống nhất cao và thông qua hai nghị quyết quan trọng, với những định hướng và giải pháp cụ thể, sát thực tiễn. Những quyết sách này thể hiện rõ quyết tâm chính trị của toàn Đảng bộ trong việc xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh, bắt nhịp với công cuộc đổi mới bộ máy hành chính, đồng hành cùng Thủ đô và cả nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới – kỷ nguyên của tinh gọn, hiện đại và hiệu quả.
Tương tự, tại phường Tùng Thiện (mới), chính quyền cũng đã tổ chức hội nghị vận hành thử nghiệm mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Đây là đơn vị hành chính mới được thành lập trên cơ sở sắp xếp và hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Xuân Khanh, Trung Sơn Trầm, phần còn lại của Trung Hưng, Sơn Lộc, xã Xuân Sơn và xã Thanh Mỹ. Sau khi sắp xếp, phường Tùng Thiện có diện tích tự nhiên khoảng 32,34 km², với quy mô dân số hơn 42.000 người.
Để đi vào vận hành, phường đã rà soát, giải quyết các dự án tồn đọng; triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của UBND phường; thông qua quy chế làm việc, báo cáo kinh tế - xã hội; rà soát, đặt tên các tổ dân phố; tham mưu công tác tổ chức nhân sự, quản lý con dấu, chứng thư số, chữ ký số của HĐND và UBND phường. Các phòng chức năng như Kinh tế - Hạ tầng và Đô thị, Văn hóa - Xã hội, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng cũng được phân công cụ thể…
Phường đã vận hành hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo điều hành (hệ thống văn bản điện tử, họp trực tuyến giữa Thành phố và cấp xã); tổ chức họp Ban Chấp hành Đảng bộ và lãnh đạo UBND cấp xã; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng lãnh đạo phụ trách lĩnh vực, cán bộ theo vị trí việc làm; chạy thử các quy trình nội bộ trong từng bộ phận chuyên môn. Đồng thời, các hoạt động tiếp công dân, tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính cũng được vận hành thử bằng hệ thống phần mềm chuyên dùng, phối hợp liên thông giữa các cơ quan trong phường. Từ hệ thống cơ sở vật chất đến yếu tố con người, tất cả đang từng bước được hoàn thiện.
Từ thực tiễn ở Hà Nội có thể thấy, việc sắp xếp đơn vị hành chính và vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp không chỉ là sự thay đổi về cơ cấu tổ chức, mà sâu xa hơn, là một bước chuyển căn bản trong tư duy quản trị, từ quản lý sang phục vụ, từ hành chính cứng nhắc sang linh hoạt, hiện đại, vì dân. Đây là tiền đề để Hà Nội, với vai trò Thủ đô tiếp tục đi đầu trong cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, công khai, minh bạch và gần dân hơn.
Khi bộ máy được tinh gọn, khi cán bộ thực sự “vì dân phục vụ”, khi công nghệ số được ứng dụng mạnh mẽ vào điều hành và giải quyết thủ tục hành chính, thì chính quyền địa phương sẽ không còn là “cấp trung gian” mà trở thành nơi người dân đặt niềm tin, tìm đến để được hỗ trợ và đồng hành. Đó cũng là cách thiết thực để góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của dân, do dân và vì dân trong thời đại mới.