Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

QUỲNH AN (thực hiện)
Chia sẻ

(PNTĐ) - Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi đến thăm Thượng tá, cựu chiến binh Đinh Văn Chiến, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội - người đã từng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. Đã 49 năm trôi qua, nhưng những ký ức hào hùng của một giai đoạn lịch sử vẫn còn mãi trong người chiến sĩ thương binh bộ đội Cụ Hồ anh dũng, quả cảm.

Một thời máu lửa

Những ngày này, Thượng tá, cựu chiến binh Đinh Văn Chiến vừa cùng phái đoàn của quận tổ chức cho hơn 40 hội viên của hai phường Thịnh Quang và Ngã Tư Sở, quận Đống Đa lên thăm lại chiến trường Điện Biên. Đoàn đã đến thăm tượng đài Chiến thắng Sông Lô, Nhà tù Sơn La, Sở Chỉ huy Mường Phăng, Đồi A1, Hầm chỉ huy tướng Đờ Các và giao lưu văn hoá với người dân ở thành phố Điện Biên. Chuyến đi để lại cảm xúc sâu lắng, bồi hồi, những ký ức hào hùng về một thời khói lửa, một thời xông pha, quyết hi sinh để bảo vệ độc lập dân tộc của bộ đội cụ Hồ.

Cựu chiến binh Đinh Văn Chiến kể, ông sinh năm 1954, tại huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định. Bố ông tham gia du kích kháng chiến, làm nhiệm vụ liên lạc cho Việt Minh những năm kháng chiến chống Pháp. Gia đình ông có 5 con trai thì cả 5 anh em đều là bộ đội.

Khi đang là sinh viên trường Sư phạm Hà Nam (cũ), nay là trường Sư phạm Nam Định, cuối năm 1971, ông Chiến xung phong lên đường nhập ngũ, đầu quân cho Đại đội 6, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 102, Sư đoàn 308, hành quân vào chiến trường Quảng Trị. Đầu năm 1972, Quân giải phóng miền Nam Việt Nam mở chiến dịch Xuân - Hè 1972, thực hiện tấn công chiến lược trên toàn miền Nam, trong đó mặt trận Trị - Thiên (Quảng Trị, Thừa Thiên) là hướng tấn công chủ yếu. Đến tháng 5/1972, quân ta đã chiếm được toàn bộ tỉnh Quảng Trị. Giữa tháng 6/1972, quân đội Việt Nam Cộng hòa phản công hòng chiếm lại Quảng Trị. Một trong những điểm tấn công có ý nghĩa chiến lược là khu vực Thành cổ. Đây chính là trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam - được mệnh danh là “mùa hè đỏ lửa”, với sự huy động hỏa lực lớn chưa từng có.

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập” - ảnh 1
Vợ chồng thương binh, cựu chiến binh Đinh Văn Chiến. 

Trong 81 ngày đêm, từ 28/6 đến 16/9/1972, hai bên giằng co từng mét đất, từng ngôi nhà. Để hậu thuẫn cho quân đội Việt Nam Cộng hòa, Mỹ đã huy động máy bay B52 ném bom cùng pháo hạm bắn phá thị xã Quảng Trị và Thành cổ. Trong 81 ngày đêm, ngôi thành cổ diện tích chỉ vài ki lô mét vuông phải hứng chịu 328.000 tấn bom và đạn pháo, sức công phá tương đương 7 quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản trong chiến tranh thế giới thứ II.

Tính trung bình mỗi chiến sĩ ta phải hứng chịu 100 quả bom, 200 đạn pháo. Bom đạn đã phá hủy hoàn toàn thị xã Quảng Trị. Thành cổ cũng bị phá nát hoàn toàn. Hàng nghìn chiến sĩ đã ngã xuống trong trận chiến khốc liệt này. Để giữ trận địa, Quân giải phóng đã liên tục bổ sung quân số. Và dòng sông Thạch Hãn cũng trở thành “túi hứng bom đạn”. Nhiều chiến sĩ đã hy sinh trong lúc vượt sông vào Thành cổ.

Trong chiến dịch này, ông bị thương ở cổ do một mảnh đạn bắn vào. May mắn là vết thương vào phần mềm nhưng chảy máu nhiều, phải chuyển xuống tuyến sau để điều trị. Sau 1 tháng điều trị, ông Chiến tiếp tục quay lại chiến đấu, tiếp tục góp sức trong trận chiến Cửa Việt. Trận đánh kéo dài từ ngày 27/1 đến 31/1/1973.

“Năm ngày chiến đấu, tôi là Tiểu đội trưởng Tiểu đội hoả lực, nhận nhiệm vụ nhận tân binh ở Mỹ Đức, Ứng Hoà (Hà Tây cũ) vào bổ sung quân số, có nhiệm vụ tiêu diệt xe tăng của địch. Trận đó, tôi tiêu diệt 1 xe tăng M41, bắn bị thương 1 xe tăng M48 - xe hiện đại nhất của Mỹ bây giờ, gọi là “vua chiến trường, bất khả xâm phạm” thời đó. Sau này, tôi được Mặt trận B5 (Mặt trận Trị Thiên) và Sư đoàn 308 tặng Bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” - ông Chiến nhớ lại.

Sau khi miền Nam được giải phóng, ông hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được quân đội tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba và cử ra Bắc học tiếp sĩ quan chỉ huy. Khi chiến dịch biên giới Tây Nam xảy ra, ông Chiến tiếp tục cùng đồng đội tham gia, bổ sung quân cho chiến dịch. Đến năm 1979, ông được về đơn vị huấn luyện ở Xuân Mai, tỉnh Hoà Bình. Ở đây, ông quen và bén duyên với bà Mai Bích Thảo (SN 1957), cũng là bộ đội thông tin qua mai mối của Thiếu tướng Mai Thuận, khi đó là Chính uỷ Sư đoàn 308.

Hết lòng vì đồng đội

Trong gia đình cựu chiến binh Đinh Văn Chiến, những ngày lễ trọng đại của dân tộc, gia đình ông đều tổ chức bữa cơm thân mật, ôn lại kỷ niệm thời chiến.

Về hưu sau nhiều năm tham gia trong quân đội, vợ chồng cựu chiến binh Đinh Văn Chiến đều tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Bà Thảo giữ chức vụ Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam quận Đống Đa nhiều năm liền, còn ông Đinh Văn Chiến đảm nhận nhiều cương vị: Đại biểu HĐND phường, Bí thư Chi bộ, Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thịnh Quang, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Cựu chiến binh quận Đống Đa.

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập” - ảnh 2
Vợ chồng thương binh, cựu chiến binh Đinh Văn Chiến. 

Hiện Hội Cựu chiến binh phường Thịnh Quang có 510 hội viên, từng tham gia chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và tham gia các chiến dịch biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc… Để phát triển được số hội viên như vậy, ông Chiến đã nắm bắt tâm tư và vận động, phát triển tổ chức Hội, đồng thời tích cực triển khai các phong trào thi đua, góp phần xây dựng địa phương.

Ông Chiến còn làm Tổ trưởng Tổ thương binh nòng cốt tham gia giải quyết những vấn đề nóng ở địa phương. Sự khéo léo vận động của ông đã mang lại hiệu quả trong giải quyết những việc khó khăn, phức tạp. Tiêu biểu như việc ông đã tích cực trao đổi, trò chuyện với các cựu chiến binh có nhà ở trong diện giải phóng mặt bằng làm đường sắt trên cao, rồi tuyên truyền, vận động để họ đồng thuận, ủng hộ chủ trương của thành phố Hà Nội.

Đặc biệt, ông luôn quan tâm giải quyết những vấn đến liên quan tới các đối tượng chính sách. Khi biết hội viên bị mất, thiếu giấy tờ, đơn vị cũ đã giải tán nên không được hưởng chế độ chính sách, ông luôn đau đáu tìm cách để đồng đội không bị thiệt thòi.

Với vai trò là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thịnh Quang, ông đã tìm hiểu kỹ từng trường hợp, rồi báo cáo lãnh đạo Hội Cựu chiến binh quận Đống Đa, viết giấy giới thiệu tới các cơ quan quân đội để tìm lại các quyết định liên quan chứng minh được sự đóng góp của các cá nhân trong quân ngũ, trên cơ sở đó làm thủ tục giám định...

Nhờ đó, 2 trường hợp hội viên đã được hưởng chế độ trợ cấp thương binh, 12 trường hợp hưởng chế độ nạn nhân chất độc da cam, có bảo hiểm y tế và các quyền lợi liên quan. Bên cạnh đó, ông tích cực tham mưu giúp Đảng ủy, UBND phường quan tâm thực hiện xóa nhà dột nát đối với một số trường hợp cựu chiến binh, tạo điều kiện cho các hội viên vay vốn giải quyết việc làm, từ đó vươn lên thoát nghèo.

Để tăng cường tình đoàn kết, gắn bó giữa các hội viên, ông Chiến thường xuyên đôn đốc 15 chi hội cựu chiến binh quan tâm thăm hỏi các hội viên khi ốm đau. Khiêm tốn nói về mình, ông Chiến chia sẻ: “Tôi may mắn hơn nhiều đồng đội được trở về quê hương. Nhưng vẫn còn rất nhiều đồng đội đã hy sinh xương máu vì độc lập Tổ quốc. Chính vì vậy, tôi luôn có suy nghĩ muốn tri ân đồng đội, xây dựng hội đoàn kết, gắn bó, cùng nhau làm điều tốt cho xã hội, cho địa phương”.

Với lợi thế có nhiều hội viên từng chiến đấu ở nhiều chiến trường, có cán bộ quân đoàn, chính ủy, các binh chủng hải quân, không quân, pháo binh, xe tăng…, các hội viên của Hội Cựu chiến binh phường Thịnh Quang nói chung và Thương binh Đinh Văn Chiến nói riêng còn thường xuyên kể lại về một thời hào hùng của lịch sử dân tộc qua đó tiếp thêm sức mạnh, phát huy truyền thống, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.    

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Phụ nữ huyện Thanh Trì: Nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Phụ nữ huyện Thanh Trì: Nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Thiết thực tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện Thanh Trì (Hà Nội) đã chỉ đạo các cơ sở hội trên địa bàn huyện đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền tới hội viên, phụ nữ về ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ; truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết dân tộc, vai trò và sự tham gia của phụ nữ trong chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Việt Nam tham gia đối thoại về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc

Việt Nam tham gia đối thoại về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc

(PNTĐ) - Ngày 7/5/2024 tại Trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sỹ), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham gia phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.
Nhớ về những anh hùng trẻ tuổi trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Nhớ về những anh hùng trẻ tuổi trong chiến dịch Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Trang sử vàng Điện Biên Phủ mãi là biểu tượng của ý chí và sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", có biết bao những chiến sĩ, mang trong mình một tình yêu Tổ quốc, sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc khi tuổi đời còn rất trẻ.
Tuổi trẻ Việt Nam tự hào với Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tuổi trẻ Việt Nam tự hào với Chiến thắng Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - 70 năm đã trôi qua, nhưng "tiếng sấm" Điện Biên Phủ vẫn còn vang vọng đến nhân loại ngày hôm nay và tạc ghi vào dòng chảy lịch sử mãi về sau với vị thế lẫy lừng. Chiến thắng Điện Biên Phủ là mốc son chói lọi, là niềm tự hào của mọi thế hệ người dân Việt Nam, nhất là với thế hệ trẻ hôm nay.