Cành cây của Chúa trời

Trật Danh (Trung Quốc)
Chia sẻ

(PNTĐ) - Với những đứa trẻ khác, sinh ra trong một gia đình có bố là quan chức, mẹ là giáo sư đại học cũng giống như nắm giữ chiếc chìa khóa vàng. Nhưng đó là một loại áp lực đối với tôi vì tôi không được thừa hưởng gen tốt của bố mẹ.

Một thiên tài không được thế giới biết đến

Hai tuổi rưỡi, những đứa trẻ khác đã có thể đọc thơ Đường và đếm được từ 1 đến 100, nhưng tôi thậm chí không thể đếm đến 10. Ngày đầu tiên đi học mẫu giáo, tôi đã làm một đứa trẻ bị thương và làm hỏng chiếc đàn piano đắt tiền nhất trường mẫu giáo.

Sau đó tôi chuyển sang nhiều trường mẫu giáo nhưng thời gian tôi ở đâu lâu nhất không quá 10 ngày. Mỗi lần tôi bị “đuổi” khỏi trường mẫu giáo, bố lại đấm đá tôi nhưng những nắm đấm như mưa không giáng được xuống người tôi vì mẹ luôn lao tới để che chắn cho tôi.

Bố tôi không cho phép mẹ tìm trường mẫu giáo cho tôi nhưng mẹ tôi không đồng ý, bà nói rằng đứa trẻ luôn phải tiếp xúc với thế giới bên ngoài và không thể để nó ở nhà suốt đời. Thế là tôi lại đi học mẫu giáo, hôm đó tôi tè vào bát cơm của bọn trẻ. Mẹ tôi đi công tác xa, bố tôi rất tức giận trói tôi ở phòng khách.

Giọng tôi trở nên khản đặc, cổ tay tôi bầm tím vì máu tụ do xích sắt. Tôi nhân cơ hội đập vỡ tivi ở nhà, đốt hết sách vở và một số thông tin quan trọng trong phòng làm việc của bố, khiến bố tôi phải gọi đến đội cứu hỏa.

Bố tôi xấu hổ đến mức gửi tôi vào bệnh viện tâm thần như một phương sách cuối cùng. Một tháng sau, mẹ tôi về, việc đầu tiên mẹ làm là ly hôn với bố tôi, việc thứ hai là đưa tôi về nhà. Mẹ ôm cánh tay đầy sẹo của tôi và khóc rất nhiều, tôi im lặng một cách khác thường trong vòng tay mẹ. Một lúc lâu sau, bà mới kinh ngạc kêu lên: “Giang Giang, con có thể bình tĩnh lại. Mẹ đã nói rồi, con trai của mẹ là thiên tài mà người đời không biết!”.

Cành cây của Chúa trời - ảnh 1
Minh họa sưu tầm

Tôi không chiến đấu một mình

Khi tôi vào tiểu học, nhiều giáo viên vẫn từ chối nhận tôi. Cuối cùng, bạn cùng lớp của mẹ tôi, cô Ngụy, đã chấp nhận tôi. Tôi đã thực hiện được lời hứa trước mặt mẹ: Tôi sẽ không dùng bạo lực với các bạn cùng lớp nữa. Tuy nhiên, các cơ sở vật chất khác nhau trong trường không nằm trong phạm vi hứa hẹn và lần lượt phải chịu thiệt hại. Một ngày nọ, cô Ngụy đưa tôi đến một phòng học và nói với tôi: “Đây đều là những vết thương mà em đã gây ra, em hãy chữa trị cho chúng.”

Tôi rất vui khi làm được việc cứu mạng này. Tôi đã dùng số tiền mừng tuổi của mình để mua tua vít, kìm, máy hàn, pin… rồi kết hợp các bộ phận trước mặt lại với nhau và những mảnh kim loại bỏ đi này trở nên sống động dưới bàn tay của tôi. Chẳng bao lâu sau, một chiếc ôtô xinh xắn và một chiếc máy bay nhỏ với hai cánh có chiều dài khác nhau đã ra đời.

Dần dần, những người bạn cùng lớp đến bên tôi và tôi dạy họ cách sử dụng những công cụ mà bố mẹ họ không cho phép sử dụng. Tôi ngừng dùng nắm đấm để thu hút sự chú ý, ánh mắt tôi trở nên thân thiện và ôn hòa.

Nhiều lần thấy mẹ đêm nằm trên giường đọc sách, muốn ngủ nhưng phải dậy tắt đèn nên tôi mất cả tuần giúp mẹ sửa chiếc điều khiển đèn từ xa. Mẹ nghi hoặc ấn nút, đèn trong phòng lập tức sáng lên, ánh mắt mẹ tôi lấp lánh: “Tôi đã nói rồi mà, con trai tôi là thiên tài.”

Mãi đến khi tôi sắp tốt nghiệp tiểu học, cô Ngụy mới nói cho tôi biết sự thật: thì ra căn phòng chuyên chữa trị vết thương cho đồ dùng là do mẹ tôi thuê. Bằng phương pháp này, mẹ tôi đã tìm ra lối thoát cho năng lượng dư thừa của tôi, đồng thời trau dồi khả năng thực hành của tôi một cách “từ từ”.

Thời gian học bậc tiểu học của tôi nhanh chóng kết thúc trong hạnh phúc. Khi bước vào cấp 2, một môi trường mới hoàn toàn xa lạ lại khiến tôi lần nữa trở thành đối tượng chỉ trích - tôi không hoàn thành bài tập đúng hạn, thường xuyên làm hỏng đồ dùng thí nghiệm, và quan trọng hơn là, giáo viên chủ nhiệm là người tôi rất ghét. Ví dụ, trong những ngày nghỉ Tết, cô ấy kín đáo yêu cầu mọi người tặng quà và nhiều phụ huynh ân cần sẽ làm như vậy.

Tôi nói với mẹ: “Tặng quà một cô giáo có tư cách đạo đức tồi tệ như vậy chỉ là giúp đỡ kẻ ác mà thôi! Mẹ mà tặng quà thì con sẽ không đi học đâu”. Kết quả là tôi bị đối xử lạnh nhạt, trong giờ học cô ấy không bao giờ hỏi tôi, dù bài văn của tôi có hay đến đâu thì cũng không thể đạt điểm cao, cô ấy còn phạt tôi ngày nào sau giờ học cũng ở lại quét dọn lớp học vì tôi đã không tuân theo kỷ luật.

Mẹ tôi đã khóc khi đến trường nhìn thấy tôi quét dọn lớp học một mình. Tôi giơ cánh tay vốn nhỏ nhắn nhưng cơ bắp của mình lên và nói với mẹ: “Mẹ ơi, con không quan tâm, mà không quan tâm thì cô ấy sẽ không làm tổn thương con được đâu". Mẹ ngạc nhiên nhìn tôi, tôi hỏi: “Con trai mẹ ngầu lắm phải không?”. Mẹ gật đầu: “Không những ngầu mà còn biết suy nghĩ nữa”.

Từ đó, sau mỗi ngày làm việc, mẹ đều đến trường để giúp tôi dọn vệ sinh. Tôi hỏi mẹ: “Mẹ có nghĩ đây là sự củng cố cho công lý không?”. Mẹ nói: “Mẹ phải đứng bên con, con không chiến đấu một mình”.

Cành cây của Chúa trời - ảnh 2
Minh họa sưu tầm

Tôi sẽ làm mẹ thất vọng lần nữa

Tôi sắp tốt nghiệp trung học cơ sở và với điểm số của mình, tôi không thể vào được trường trung học nào cả. Tôi trở nên lo lắng, đấu tranh với chính mình và thậm chí còn đập đầu vào tường. Tôi nhịn ăn, ngồi thiền và nhốt mình trong phòng để phản đối tư chất của mình.

Trong bốn ngày, tôi ở trong nhà và mẹ tôi ở bên ngoài. Tôi không ăn và mẹ tôi cũng vậy. Một hôm, mẹ kể cho tôi nghe về bố tôi, người đàn ông đó từng đến và muốn tái hợp với mẹ nhưng mẹ từ chối. Mẹ nói với bố: “Tôi cho phép bất cứ ai trên thế giới này không thích Giang Giang, nhưng tôi không thể tha thứ cho bất cứ ai xúc phạm và làm tổn thương nó một cách vô lý.”

Ngày hôm sau, mẹ tôi mời Phó Thụ, bạn thời thơ ấu của tôi, cậu ấy nói: “Giang Giang, chiếc xe điều khiển từ xa mà bạn tặng tôi khi tôi học tiểu học luôn ở trong phòng học của tôi. Nó thực sự là món đồ chơi quý giá và tinh tế nhất của tôi. Bây giờ nếu trong học tập cậu gặp khó khăn thì thế nào? Sau này cậu nhất định sẽ thành công, bạn bè đều trông vào cậu!”.

Ngày thứ ba, cô giáo Ngụy, hiệu trưởng trường tiểu học, cũng đến, cô khóc: “Giang Giang, em không phải là học sinh giỏi nhất trong số những học sinh mà tôi dạy, nhưng em là người khác biệt nhất, em không học giỏi nhưng em sống tốt. Em đã làm rất tốt. Cô vẫn sử dụng máy hút bụi điện do em sáng chế. Cô tự hào về em”.

Đến ngày thứ tư, bên ngoài nhà không có tiếng động nào. Tôi lo mẹ mấy hôm nay không ăn uống không trụ nổi nên rón rén ra khỏi cửa. Mẹ đang nấu ăn trong bếp, và trước khi tôi bước tới, nói: “Con trai, mẹ biết điều đầu tiên con muốn làm khi bước ra ngoài là muốn ăn”.

“Mẹ, con xin lỗi... con thấy xấu hổ quá”.

Mẹ tôi giơ chiếc muôi xúc cơm lên: “Ai nói thế! Con tôi không ăn không uống để tiến bộ. Ai nói thế, mẹ con sẽ chiến đấu vời họ”.

Nửa tháng sau, mẹ cho tôi một câu hỏi trắc nghiệm: “A. Vào trường cấp 3 số 1, trường tốt nhất thành phố. B. Vào trường trung học dạy nghề để học sửa chữa ôtô. C. Nếu con vẫn không hài lòng, mẹ tôn trọng sự lựa chọn của con”. “Con chọn B.”, tôi nói: “Mẹ ơi, con biết mẹ sẽ dựa vào nhiều mối quan hệ để cho con vào trường cấp 3 số 1, nhưng con sẽ lại làm mẹ thất vọng”. Mẹ xoa xoa đầu tôi nói: “Con ngốc ơi, con tự đánh giá thấp mình rồi! Đi học trung học chuyên nghiệp sẽ phát huy điểm mạnh của con, còn học cấp 3 sẽ lợi dụng điểm yếu của con. Mẹ dù sao cũng là giáo sư đại học nên mẹ vẫn có đầu óc”.

Con là con chim ngốc, mẹ là cành cây nhỏ

Theo định hướng của mẹ, tôi đã vào một trường trung học dạy nghề để học sửa chữa ôtô, theo lời của một số cô chú trong khu nhà, tôi sẽ coi ôtô như cháu trai của mình đến hết cuộc đời.

Chúng tôi sống trong sân khu gia đình của Đại học Bách khoa, và những đứa trẻ trong cùng khu đi ra nước ngoài, miệt mài học tập lấy bằng Tiến sĩ, tệ nhất cũng tốt nghiệp nghiên cứu sinh. Duy nhất chỉ có tôi là người từ nhỏ đã là tấm gương phản diện ở khu này.

Mẹ tôi không bao giờ trốn tránh bất cứ điều gì, và không bao giờ né tránh người khác chỉ vì có một cậu con trai “xuất hiện”. Ngược lại, nếu biết xe ai đó gặp sự cố, mẹ luôn bảo tôi giúp đỡ họ. Khi tôi đang sửa xe, mẹ đứng cạnh tôi, với vẻ mặt hài lòng, như thể con trai mẹ đang sửa không phải một chiếc ôtô mà là cả một tàu sân bay.

Cuộc sống của tôi ngày càng tốt hơn, trước khi ra trường tôi đã được mệnh danh là “thần đồng xe hơi”, chuyên “chữa trị” các loại bệnh xe hơi khó, phức tạp. Sau khi tốt nghiệp, tôi mở một tiệm sửa xe, nhưng chỉ phục vụ, bảo dưỡng những chiếc xe trị giá hơn 1 triệu nhân dân tệ trở lên nhưng lại rất đông khách, dù ngày nào cũng lấm lem dầu mỡ nhưng tôi không hề nản lòng, nhụt chí.

Một ngày nọ, tôi vô tình thấy trong một cuốn sách có câu ngạn ngữ Thổ Nhĩ Kỳ, đại ý như thế này “Chúa trời đã chuẩn bị cho mỗi con chim ngốc một cành cây”. Vâng, tôi là một con chim ngốc, nhưng chỉ có điều là người đã cho tôi cành cây đó không phải là Chúa trời, mà đó chính là mẹ tôi.

TRẦN DÂN PHONG (Dịch)

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục