Cần thể chế hóa quy định kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật
(PNTĐ) - Ngày 16/5, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Các đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình với sự cần thiết ban hành Nghị quyết để thể chế hóa Nghị quyết số số 66-NQ/TƯ của Bộ Chính trị "về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới"; qua đó khẳng định, các cơ chế, chính sách là không gian pháp lý đặc biệt, tạo động lực để nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật.

Quan tâm đến đối tượng thụ hưởng cơ chế, chính sách đặc biệt, các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc xác định đối tượng phải được rà soát theo quá trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật để xác định đầy đủ đối tượng và vai trò, nhiệm vụ của từng đối tượng tham gia được hưởng chính sách. Đồng thời, nhấn mạnh cần xác định bảo đảm đối tượng thụ hưởng chính sách theo Dự thảo Nghị quyết phù hợp với thực tế công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (Đoàn Quảng Ngãi) đề nghị cần thể chế hóa quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, như bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, chặt chẽ, toàn diện của Đảng trong kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ”...
Đồng thời, cần phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham nhũng, tiêu cực trong quá trình xây dựng pháp luật; bảo vệ những đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) đề nghị thiết kế các điều khoản trong dự luật để nhận diện rõ quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách pháp luật được thực hiện đúng mục đích, đúng tôn chỉ. Đại biểu cũng lưu ý rút kinh nghiệm từ thực tế hiện nay, nhiều quỹ tài chính nhà nước theo các luật chuyên ngành đã được thành lập nhưng hoạt động chủ yếu dựa vào vốn điều lệ từ ngân sách nhà nước. Trong khi đó, việc huy động nguồn lực xã hội trong xây dựng thể chế là rất quan trọng.
Cùng với cơ chế đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, các đại biểu cũng đề nghị cần thể chế hóa Quy định số 178-QĐ/TƯ ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.
Cụ thể, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, chặt chẽ, toàn diện của Đảng trong kiểm soát quyền lực; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh các hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; bảo vệ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.