Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở huyện Đan Phượng:

Gắn kết cộng đồng, nâng tầm chất lượng sống

MINH THƯ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Trong những năm qua, huyện Đan Phượng (Hà Nội) đã đạt được những bước tiến vượt bậc trong công cuộc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân và sự đổi mới trong phương pháp triển khai, Đan Phượng đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành một địa phương điển hình về văn hóa, văn minh, hiện đại.

Gắn kết cộng đồng, nâng tầm chất lượng sống - ảnh 1
 Hội LHPN huyện Đan Phượng tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh.

Đời sống văn hóa lan tỏa trong từng khu dân cư

Tính đến hết năm 2024, toàn huyện có 96,4% gia đình được công nhận “Gia đình văn hóa”; 100% thôn, tổ dân phố được công nhận danh hiệu “Thôn văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”; 86,5% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Các chỉ số này không chỉ là những con số khô khan mà phản ánh thực chất sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện.

Bà Nguyễn Thị Minh, người dân thôn Phượng Trì (xã Đan Phượng) chia sẻ: “Trước đây, đường làng còn bụi bặm, trẻ con không có chỗ chơi, nhưng mấy năm gần đây, nhờ phong trào ‘Sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn và thông minh’, ngõ xóm khang trang hẳn lên. Tối tối, trẻ con có chỗ chơi, người lớn đi bộ rèn luyện, thấy rất phấn khởi”.

Điểm nổi bật trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở Đan Phượng chính là cuộc thi “Giữ gìn thôn, tổ dân phố sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn và thông minh” được phát động từ năm 2019 và duy trì liên tục. 129/129 thôn, tổ dân phố trên địa bàn đã tích cực hưởng ứng với tổng số tiền xã hội hóa hơn 38 tỷ đồng, hàng nghìn ngày công lao động, cùng hàng trăm công trình thiết thực như sân chơi thiếu nhi, tranh bích họa, camera an ninh, đèn năng lượng mặt trời…

Gắn kết cộng đồng, nâng tầm chất lượng sống - ảnh 2
Không gian trưng bày giới thiệu các mô hình sống xanh của Phụ nữ huyện Đan Phượng.

Hệ thống thiết chế văn hóa được đầu tư đồng bộ

Với định hướng phát triển bền vững, huyện Đan Phượng đặc biệt quan tâm đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng văn hóa. Đến nay, 130 nhà văn hóa - khu thể thao đã được xây dựng tại 129 thôn, tổ dân phố. 126 điểm dụng cụ thể dục ngoài trời được lắp đặt, góp phần nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần cho người dân.

Anh Nguyễn Văn Lượng, một người dân ở xã Song Phượng, bày tỏ: “Trước kia, muốn tập thể dục phải ra tận trung tâm huyện, nhưng giờ chỉ cần vài bước chân là có ngay sân chơi. Người già tập dưỡng sinh, thanh niên chơi thể thao, không khí làng xóm sôi động hẳn”.

Cùng với đó, năm 2024, huyện đã chi hơn 10,8 tỷ đồng để hỗ trợ hoạt động cho các nhà văn hóa thôn theo Nghị quyết số 07/2024/NQ-HĐND của HĐND thành phố Hà Nội. Đây là nguồn lực quan trọng giúp các địa phương chủ động tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng, từ đó tạo sân chơi lành mạnh, gắn kết cộng đồng và phát huy tinh thần tự quản tại cơ sở.

Gắn kết cộng đồng, nâng tầm chất lượng sống - ảnh 3
Tuyến đê kiểu mẫu trên địa bàn xã Song Phượng, huyện Đan Phượng

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Đan Phượng là vùng đất giàu truyền thống văn hóa với 155 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 37 di tích quốc gia và 50 di tích cấp thành phố. Huyện đã dành hơn 451 tỷ đồng từ ngân sách, cộng thêm hơn 40 tỷ đồng huy động xã hội hóa để tu bổ, tôn tạo các di tích.

Không chỉ dừng lại ở văn hóa vật thể, các giá trị phi vật thể như ca trù, hát chèo Tàu tổng Gối, Hội Diều làng Bá Dương Nội… cũng được quan tâm bảo tồn và phát huy thông qua các hoạt động biểu diễn, truyền dạy cho thế hệ trẻ.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đan Phượng Nguyễn Thị Bảy cho biết: “Phụ nữ đóng vai trò then chốt trong việc gìn giữ và truyền lửa văn hóa. Do đó, nhiều mô hình như 'Gia đình văn hóa', 'Phụ nữ ứng xử đẹp' đã được triển khai bên cạnh việc tổ chức các lớp dạy hát dân ca, truyền dạy lễ nghi truyền thống… Những hoạt động này không chỉ góp phần nuôi dưỡng nền tảng đạo đức mà còn bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong cộng đồng”.

Gắn kết cộng đồng, nâng tầm chất lượng sống - ảnh 4
Cán bộ, chính quyền và Nhân dân xã Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng) đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp TP miếu Hàm Rồng ngày 9/2/2025.

Gắn xây dựng văn hóa với các phong trào thi đua

Đi đôi với xây dựng thiết chế văn hóa và bảo tồn di sản, huyện Đan Phượng còn triển khai sâu rộng các phong trào thi đua gắn với đời sống văn hóa như: “Người tốt, việc tốt”, “Gia đình 5 không, 3 sạch”, “Tuyến đê kiểu mẫu”, “Thôn bích họa”, “Tổ tự quản thông minh”, “Nhà tôi có bình chữa cháy”… Những phong trào này đã khơi dậy tinh thần trách nhiệm cộng đồng, lan tỏa các giá trị tốt đẹp trong đời sống hàng ngày.

Năm 2024, Đan Phượng là một trong số ít huyện của Hà Nội có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, thị trấn Phùng đạt chuẩn đô thị văn minh – những minh chứng rõ rệt cho sự gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với nâng cao đời sống văn hóa.

Dù đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng huyện Đan Phượng vẫn thẳng thắn nhìn nhận một số khó khăn, như đầu tư cho văn hóa chưa tương xứng với phát triển kinh tế, sự thay đổi nếp sống dưới tác động của kinh tế thị trường, hay hạn chế về kinh phí ở một số địa phương.

Chính vì vậy, trong thời gian tới, Huyện ủy Đan Phượng xác định 5 nhóm giải pháp trọng tâm: tăng cường sự lãnh đạo, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao chất lượng các phong trào văn hóa, xã hội hóa các nguồn lực, và hoàn thiện chính sách hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hóa.

Cùng với đó là việc “chọn lọc và tiếp thu tinh hoa văn hóa hiện đại, đồng thời kiên quyết loại bỏ những tàn dư phản văn hóa, sản phẩm độc hại” – như lời phát biểu trong bài tham luận của đại diện huyện tại Hội nghị thành phố. Đây không chỉ là định hướng, mà còn là cam kết để Đan Phượng xây dựng môi trường văn hóa cơ sở lành mạnh, góp phần hình thành một thế hệ công dân Hà Nội văn minh, hiện đại nhưng vẫn giàu bản sắc.

Với định hướng rõ ràng, sự quyết tâm của hệ thống chính trị và sự tham gia đồng lòng của người dân, đời sống văn hóa cơ sở ở Đan Phượng hứa hẹn sẽ ngày càng khởi sắc, lan tỏa những giá trị nhân văn, tiến bộ và bền vững.

Tin cùng chuyên mục

Hoàn Kiếm: Bảo tồn giá trị lịch sử văn hóa truyền thống gắn với phát triển công nghiệp văn hoá

Hoàn Kiếm: Bảo tồn giá trị lịch sử văn hóa truyền thống gắn với phát triển công nghiệp văn hoá

(PNTĐ) - Trong nhịp sống hối hả giữa lòng Hà Nội hiện đại, quận Hoàn Kiếm vẫn giữ vững vai trò “trái tim văn hóa” của Thủ đô. Với một kho tàng di sản phong phú, Hoàn Kiếm không chỉ đang gìn giữ quá khứ mà còn từng bước “đánh thức” di sản thông qua phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng không gian sáng tạo gắn với văn hóa ứng xử – tạo nên bản sắc riêng không thể trộn lẫn.
Bảo vệ nhóm người dễ bị tổn thương thể hiện bản chất ưu việt của Nhà nước

Bảo vệ nhóm người dễ bị tổn thương thể hiện bản chất ưu việt của Nhà nước

(PNTĐ) - Chiều 19/5, tiếp tục kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm Viện kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công.