Kỳ họp thứ 25 của HĐND TP Hà Nội sẽ xem xét 41 nội dung
(PNTĐ) - Chiều 4/7, Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức hội nghị thông tin về kỳ họp thường lệ giữa năm 2025 (kỳ họp thứ 25). Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, Phó Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TP Hà Nội Đỗ Văn Trường thông tin về chương trình kỳ họp.

Kỳ họp thứ 25 của HĐND TP Hà Nội sẽ diễn ra từ ngày 8/7 - 10/7 để xem xét tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025 của TP Hà Nội; thảo luận và quyết nghị một số nội dung thuộc thẩm quyền của HĐND TP.
Tại kỳ họp này, HĐND TP Hà Nội dự kiến xem xét 41 nội dung, trong đó có 16 báo cáo và 25 nội dung ban hành nghị quyết.
Trong đó, có các báo cáo hoạt động của HĐND TP, công tác chỉ đạo điều hành của UBND TP, công tác xét xử của Toà án Nhân dân TP, công tác kiểm sát của Viện kiểm sát Nhân dân TP 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp; báo cáo giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND TP;
Kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; báo cáo thực hiện dự toán thu, chi ngân sách; kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; kết quả công tác phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 6 tháng đầu năm 2025…
Các nội dung ban hành Nghị quyết gồm 11 Nghị quyết cá biệt về: Nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế xã hội, thu chi ngân sách 6 tháng cuối năm 2025 của TP Hà Nội; Đề án thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo Hà Nội; Đề án thành lập Sàn Giao dịch công nghệ Hà Nội (điều chỉnh Đề án 1442);
Một số chính sách hỗ trợ đặc thù cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội đề xuất tại "Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2026 - 2030"; phê duyệt đề án thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm. (Thực hiện khoản 2 Điều 36 của Luật Thủ đô)…


Cùng với 14 Nghị quyết quy phạm pháp luật về: Khu phát triển thương mại và văn hóa (thực hiện khoản 8 Điều 21 Luật Thủ đô); quy định về tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa (thực hiện khoản 7 Điều 21 Luật Thủ đô); quy định biện pháp giảm phát thải nhựa (thực hiện điểm d, khoản 2, Điều 28 Luật Thủ đô); quy định biện pháp hỗ trợ ưu đãi đối với hoạt động tái chế rác thải có sử dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất (thực hiện điểm d, khoản 2, Điều 28 Luật Thủ đô); quy định hình thức sử dụng, khai thác quỹ đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê trên địa bàn TP Hà Nội (thực hiện điểm a khoản 3 Điều 32 Luật Thủ đô);...
Các Nghị quyết về: Quy định cơ chế hỗ trợ bữa ăn bán trú cho học sinh Tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội; Đề án kiện toàn Quỹ phát triển đất TP Hà Nội; việc đặt tên và điều chỉnh độ dài một số đường, phố, công trình công cộng trên địa bàn TP Hà Nội năm 2025;
Kỳ họp dành 1/2 ngày (ngày 10/7) để thực hiện hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và những vấn đề bức xúc mà Đại biểu HĐND TP và cử tri Thủ đô quan tâm. Phiên chất vấn được truyền hình trực tiếp trên kênh 1 Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội.

Tại hội nghị, các cơ quan báo chí đã đặt ra nhiều câu hỏi liên quan tới các vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐND TP Hà Nội.
Trong đó có vấn đề liên quan đến công tác giảm thiểu ùn tắc, đảm bảo an toàn giao thông, báo chí nêu sau khi có đề xuất của UBND TP, HĐND TP Hà Nội đã thông qua kế hoạch chi hơn 1.856 tỷ đồng cho công tác này trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025. Số ngân sách này được chi cho các hoạt động, gồm phân luồng, tổ chức và quản lý giao thông; tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; thông tin tuyên truyền…

Làm rõ nội dung trên, Trưởng Ban Đô thị, HĐND TP Hà Nội Đàm Quang Huân cho biết về vấn đề phân làn giao thông, trong kỳ họp vào cuối năm 2023, HĐND TP Hà Nội đã tổ chức giám sát các vấn đề liên quan tới giao thông.
Trong đó, HĐND TP Hà Nội giám sát từ vấn đề đầu tư, xây dựng, duy tu duy trì, trong đó có việc phân làn giao thông.
Theo ông Huân, vừa rồi, chúng ta cũng thí điểm phân làn các tuyến đường, cụ thể như tuyến Nguyễn Trãi, cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu, nhiều nút giao thông đã giảm được ách tắc. Tuy nhiên, so với kỳ vọng của nhân dân và cử tri, thì vẫn còn những điểm chưa tốt phải thực hiện.

Trưởng Ban Kinh tế - ngân sách HĐND TP Hà Nội Hồ Vân Nga cho biết, về việc giám sát, chi tiêu liên quan đến các vấn đề giao thông, các ban của HĐND thường xuyên khảo sát, giám sát. Trong 2025, trong kế hoạch công tác có nội dung giám sát phân bổ và sử dụng vốn sự nghiệp cho một số công tác, trong đó có việc duy tu, bảo dưỡng các công trình giao thông.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Thị Thanh Mai cho biết, công tác chuẩn bị cho kỳ họp đã được chuẩn bị chu đáo từ sớm. Các ban HĐND thành phố đã chủ động thẩm tra các tờ trình, dự thảo nghị quyết, đề án… trình tại kỳ họp.
Về triển khai Luật Thủ đô năm 2024, Hà Nội ban hành 98 nội dung; từ đầu năm 2025 đến nay, đã ban hành 24 văn bản theo thẩm quyền và tại kỳ họp thứ 25 này, HĐND thành phố tiếp tục xem xét 10 nội dung triển khai Luật Thủ đô.
Về nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp, Phó Chủ tịch HĐND thành phố cho biết, không chỉ chọn nội dung nóng, thời sự để giám sát trực tiếp ở phiên chất vấn, mà ngay tại các buổi thảo luận tổ, các đại biểu sẽ giám sát các vấn đề cử tri quan tâm. Trọng tâm là các vấn đề hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng; thực phẩm không rõ nguồn gốc; công tác quy hoạch; tổ chức giao thông, giảm thiểu ùn tắc; giải quyết ô nhiễm môi trường; việc triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp…