“Người là Hồ Chí Minh”: Chương trình nghệ thuật đặc biệt khắc họa chân dung Hồ Chủ tịch
(PNTĐ) - Tối 18/5/2025, tại Quảng trường Ba Đình - trái tim của Thủ đô Hà Nội và cả nước, chương trình nghệ thuật đặc biệt “Người là Hồ Chí Minh” đã được tổ chức trang trọng. Đây như một lời tri ân sâu sắc, một hồi chuông nhắc nhớ và truyền cảm hứng mạnh mẽ để mỗi người dân Việt Nam hôm nay viết tiếp trang sử vàng thời đại Hồ Chí Minh bằng chính khát vọng và hành động của mình.
Chương trình do Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương chỉ đạo tổ chức nhằm kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025). Với thời lượng 85 phút, chương trình quy tụ hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp và tài năng trẻ trên sân khấu quốc gia, mang đến một không gian nghệ thuật tổng hợp đặc sắc, kết hợp nhuần nhuyễn giữa âm nhạc, múa, kịch ngắn, thơ và kỹ xảo sân khấu hiện đại.

Nội dung chương trình được xây dựng theo kết cấu ba trường đoạn chính: “Nguyễn Sinh Cung – Nguyễn Tất Thành”, “Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh” và “Việt Nam! Kỷ nguyên vươn mình”. Mỗi tên gọi của Bác là một dấu mốc lịch sử, là minh chứng cho hành trình tư tưởng và cách mạng của một con người đã hòa mình trọn vẹn vào vận mệnh của dân tộc Việt Nam.
Từ cội nguồn dân tộc, đến những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước, từ hành trình thành lập Đảng, lãnh đạo kháng chiến, đến di sản trường tồn để lại cho hôm nay và mai sau. Mỗi tiết mục nghệ thuật đều mang trong mình một câu chuyện xúc động, một dấu ấn văn hóa, một thông điệp thời đại.

Chương trình mở màn bằng tiết mục “Bác Hồ và thiếu nhi” do Hòa Minzy và các em nhỏ biểu diễn, đưa khán giả trở về ký ức thân thương với hình ảnh Bác Hồ giữa vòng tay các cháu thiếu niên, nhi đồng. Tiếp đó, khán giả như được “du hành ngược thời gian” qua hoạt cảnh xúc động về tuổi thơ của Nguyễn Sinh Cung - cậu bé xứ Nghệ lớn lên bằng những làn điệu dân ca, hình ảnh mẹ gánh quang gánh vào Huế trong tiết mục “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”.
Ở trường đoạn thứ hai, các tiết mục “Hình đất nước phôi thai”, “Lá cờ Đảng - Đảng là cuộc sống của tôi”, “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó”... sử dụng chất liệu thơ, múa đương đại, âm nhạc điện ảnh và hiệu ứng ánh sáng để tái hiện hành trình vượt đại dương của Nguyễn Ái Quốc. Hình ảnh Bác làm phụ bếp ở tàu biển, thợ cào tuyết ở London, đọc luận cương Lênin ở Paris... được khắc họa đầy tính điện ảnh và giàu chiều sâu tư tưởng.

Một trong những điểm nhấn xúc động nhất là chuỗi tiết mục “Ra đi Bác dặn còn non nước”, tái hiện những khoảnh khắc cuối đời của Bác Hồ: 3 lần Người gọi xung quanh để nghe lại câu hò xứ Huế, điệu ví dặm quê nhà, một đôi làn quan họ Bắc Ninh – như tiếng lòng vọng về quê hương, đất nước, trước lúc Người ra đi mãi mãi. Những hình ảnh tư liệu về Lễ Quốc tang năm 1969, tiếng khóc nghẹn ngào của các vị lãnh đạo bên giường bệnh... khiến sân khấu như lặng đi trong nước mắt và niềm kính yêu vô hạn vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.
Khép lại chương trình là chuỗi tiết mục “Người là Hồ Chí Minh”, “Mỗi bước đi thêm yêu Tổ quốc”, “Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên”, “Viếng lăng Bác” và “Bài ca Hồ Chí Minh”. Những màn trình diễn bán thực cảnh với bà con dân tộc vào Lăng viếng Bác tạo nên một không gian nghệ thuật thiêng liêng, kết nối quá khứ – hiện tại – tương lai, khẳng định di sản Hồ Chí Minh là kim chỉ nam cho khát vọng hùng cường của Việt Nam hôm nay.

Không chỉ là chương trình nghệ thuật đặc biệt, “Người là Hồ Chí Minh” còn là một bản hùng ca xuyên suốt lịch sử dân tộc, nơi mỗi tiết mục, mỗi hình ảnh đều mang theo niềm tự hào và biết ơn với vị lãnh tụ kính yêu. Di sản của Bác – đặc biệt là tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh – tiếp tục là điểm tựa tinh thần, là nguồn cảm hứng để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đồng lòng xây dựng đất nước phát triển, hội nhập, vươn mình trong kỷ nguyên mới.