Thiết lập cơ chế tăng kiểm soát hàng hóa giao dịch trên sàn thương mại điện tử

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày 17/5, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Luật hóa trách nhiệm sàn thương mại điện tử là bước tiến lớn

Đa số đại biểu Quốc hội tán thành việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhằm thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, trước yêu cầu mới của thực tiễn, hội nhập quốc tế. Đồng thời, khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong quá trình thi hành Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá hiện hành.

Về trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Điều 6a), một số đại biểu Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật đã quy định khá rõ ràng về vai trò, trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ ngành liên quan, cũng như chính quyền địa phương, qua đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Thiết lập cơ chế tăng kiểm soát hàng hóa giao dịch trên sàn thương mại điện tử - ảnh 1
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) thảo luận

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cho rằng: “Dự thảo Luật quy định vẫn chưa đầy đủ, còn thiếu quy định về cơ chế bắt buộc chia sẻ dữ liệu quản lý giữa các bộ, ngành, địa phương; thiếu quy định xử lý trách nhiệm đối với cơ quan không kịp thời cảnh báo rủi ro về hàng hóa kém chất lượng, hàng giả. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cảnh báo chậm trễ, phản ứng quản lý kém hiệu quả trong thực tế thời gian qua”.

Do đó, đại biểu kiến nghị, cần bổ sung quy định bắt buộc về chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước có liên quan trên nền tảng số dùng chung, cùng với chế tài rõ ràng trong trường hợp vi phạm nghĩa vụ này, nhằm tăng tính kết nối, giảm tình trạng “quản lý chồng chéo, thiếu liên thông”.

Quy định về trách nhiệm của sàn giao dịch thương mại điện tử (Điều 44b) trong dự thảo Luật được các đại biểu Quốc hội đánh giá cao; cho rằng, đây là một bước tiến lớn khi lần đầu tiên Luật hóa trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử trong kiểm soát chất lượng hàng hóa, trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển bùng nổ, trở thành kênh phổ biến cho việc tiêu thụ hàng giả, hàng nhái như hiện nay.

Trong thời gian gần đây, số lượng các vụ vi phạm về chất lượng hàng hóa trên sàn thương mại điện tử ngày càng gia tăng. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, số lượng vụ vi phạm trong năm 2024 đã tăng 266% so với năm 2023.

Thiết lập cơ chế tăng kiểm soát hàng hóa giao dịch trên sàn thương mại điện tử - ảnh 2
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) thảo luận

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) cho rằng, việc thiết lập cơ chế để tăng cường kiểm soát hàng hóa được giao dịch trên sàn thương mại điện tử là hết sức cần thiết và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu, đại biểu băn khoăn một số vấn đề, như: việc quy định các sàn thương mại điện tử có nghĩa vụ xác thực thông tin người bán, ngăn chặn hàng giả… liệu có vượt quá khả năng kỹ thuật và thẩm quyền pháp lý của các sàn thương mại điện tử này hay không? Vì các doanh nghiệp này không có chức năng điều tra, kiểm định hay thẩm quyền can thiệp vào chuỗi cung ứng hàng hóa. Nếu bị ràng buộc bởi quy định này, doanh nghiệp có thể sẽ bị đẩy vào vị thế khó thực hiện, và đối mặt với rủi ro pháp lý tiềm ẩn.

Mặt khác, các nghĩa vụ xác thực thông tin người bán, ngăn chặn hàng giả… đã được quy định rõ trong một số Luật và nghị định như: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023; dự thảo Luật Thương mại điện tử; Nghị định 52/2013/NĐ-CP, Nghị định 85/2021/NĐ-CP… Do đó, việc tiếp tục điều chỉnh trong Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa có thể sẽ gây trùng lặp và mâu thuẫn trong quá trình thực hiện.

Vì vậy, đại biểu đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát kỹ nội dung quy định này để tránh mâu thuẫn chồng chéo với quy định của pháp luật hiện hành.

Cùng quan điểm này, đại biểu Hoàng Minh Hiếu cho rằng, sàn thương mại điện tử không đủ năng lực và thẩm quyền trong việc xác minh, truy xuất nguồn gốc hàng hóa trước và trong quá trình vận hành.

Thực tế, các nền tảng thương mại điện tử chỉ có thể yêu cầu người bán cung cấp thông tin, tài liệu theo quy định của pháp luật để lưu trữ và cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền và các bên có liên quan.

Khi yêu cầu sàn thương mại điện tử xác minh nguồn gốc và giám sát chủ động nguồn gốc của hàng hóa thì có thể dẫn đến việc sàn thương mại điện tử phải chịu trách nhiệm đối với các hành vi nằm ngoài tầm kiểm soát. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc làm rõ để quy định cho phù hợp với thực tiễn.

Thiết lập cơ chế tăng kiểm soát hàng hóa giao dịch trên sàn thương mại điện tử - ảnh 3
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) thảo luận

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) chỉ rõ, thực trạng sàn thương mại điện tử đang tồn tại nhiều vướng mắc về quản lý, xác định trách nhiệm đối với chất lượng sản phẩm, hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất hiện tràn lan trên các nền tảng số.

Trong khi đó, người tiêu dùng thì lại rất khó xác định được đơn vị chịu trách nhiệm pháp lý. Vì vậy, đại biểu đề nghị, cần xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về hàng hóa vi phạm trong môi trường số để cho phép người tiêu dùng tra cứu thông tin, đồng thời, hỗ trợ cơ quan chức năng cảnh báo, hậu kiểm, xử lý vi phạm trên phạm vi toàn quốc.

 

Tin cùng chuyên mục

Sư đoàn Phòng không 361 đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc Hạng Nhất

Sư đoàn Phòng không 361 đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc Hạng Nhất

(PNTĐ) - Tròn 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, sáng 17/5, Sư đoàn Phòng không 361 long trọng kỷ niệm Ngày truyền thống và đón nhận phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước: Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất. Đây không chỉ là sự ghi nhận những chiến công hiển hách trong lịch sử, mà còn là động lực to lớn để cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn vững bước bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc trong tình hình mới.
Đề xuất bổ sung nội dung “đảm bảo tính đặc thù của các tổ chức thành viên” trong Hiến pháp sửa đổi

Đề xuất bổ sung nội dung “đảm bảo tính đặc thù của các tổ chức thành viên” trong Hiến pháp sửa đổi

(PNTĐ) - Thống nhất với Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013, bà Trần Thu Thủy, Nguyên Chánh văn phòng Trung ương Hội LHPN Việt Nam cho rằng Dự thảo đã nêu khá rõ những vấn đề của hệ thống các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Do vậy, việc thực hiện chủ trương của Đảng về nghiên cứu sắp xếp lại các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ về trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là điều cần thiết.
Đề nghị bỏ quy định cấm áp dụng hợp đồng thu phí trực tiếp từ người sử dụng đối với các dự án PPP

Đề nghị bỏ quy định cấm áp dụng hợp đồng thu phí trực tiếp từ người sử dụng đối với các dự án PPP

(PNTĐ) - Sáng 17/5, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.