MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ
(PNTĐ) - Nhằm thiết thực tri ân những người có công với cách mạng, phát huy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch tuyên truyền và tổ chức các hoạt động kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025) trên địa bàn Thành phố.
Năm 2025, toàn thành phố dự kiến vận động Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” đạt gần 22 tỷ đồng; tặng 1.102 sổ tiết kiệm “Tình nghĩa” (mức sổ tiết kiệm thấp nhất 3 triệu đồng); tu sửa, nâng cấp 28 công trình ghi công liệt sĩ; hỗ trợ tu sửa, nâng cấp nhà ở cho 149 hộ người có công. Thành phố phấn đấu 100% hộ người có công có mức sống cơ bản ổn định bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; 100% Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được chăm sóc chu đáo về đời sống vật chất và tinh thần, đảm bảo có cuộc sống tốt nhất.

Kế hoạch được triển khai căn cứ theo Công văn số 1097/MTTW-BTT ngày 27/6/2025 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Kế hoạch số 92/KH-UBND ngày 6/4/2025 của UBND thành phố Hà Nội.
Mục tiêu xuyên suốt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về ý nghĩa của Ngày Thương binh - Liệt sĩ, nâng cao nhận thức chính trị và đạo lý "uống nước nhờ nguồn" trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân, từ đó phát huy tinh thần trách nhiệm trong việc chăm lo, phụng dưỡng người có công.

Nội dung trọng tâm của kế hoạch là tuyên truyền sâu rộng về giá trị lịch sử, chính trị, xã hội và nhân văn của Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Qua đó khẳng định sự tri ân sâu sắc của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với những cống hiến, hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng.
Kế hoạch cũng nhấn mạnh đến việc phát động phong trào thi đua sâu rộng trong toàn xã hội, đặc biệt là các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân tham gia đóng góp xây dựng Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa”; thăm hỏi, động viên, chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần của người có công, nhất là những trường hợp còn khó khăn về nhà ở, sức khỏe.
Thành phố Hà Nội sẽ tổ chức đồng loạt nhiều hoạt động mang tính nhân văn sâu sắc, cụ thể như: Thăm hỏi, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng, thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công; khám, tư vấn, cấp phát thuốc miễn phí cho các đối tượng chính sách; tổ chức lễ dâng hương, thắp nến tri ân tại các nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia tưởng niệm.
Các hoạt động này sẽ diễn ra cao điểm trong tháng 7; trong đó “Lễ thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sĩ” cấp thành phố được tổ chức lúc 19h ngày 26/7 tại Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố Hà Nội, đồng thời tổ chức đồng loạt tại 126 xã, phường, thị trấn.
Bên cạnh đó, phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, tổng vệ sinh môi trường, chỉnh trang các nghĩa trang liệt sĩ và nhà bia tưởng niệm sẽ được phát động vào lúc 7h ngày 20/7. Xã Đông Anh được chọn là đơn vị đăng cai tổ chức điểm cấp thành phố tại Nghĩa trang Liệt sĩ Cổ Loa; huy động sự tham gia đông đảo của cán bộ, hội viên, đoàn viên và Nhân dân địa phương.
Hoạt động không chỉ làm đẹp cảnh quan mà còn thể hiện tình cảm và trách nhiệm của thế hệ hôm nay với các bậc tiền nhân đã hy sinh vì Tổ quốc.
Song song với các hoạt động tình nghĩa, công tác tuyên truyền cũng được chú trọng đẩy mạnh. Mặt trận Tổ quốc các cấp sẽ phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền rộng rãi đến Nhân dân các chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước về người có công.
Nội dung tuyên truyền tập trung vào các chỉ thị, nghị quyết quan trọng như Chỉ thị số 14-CT/TW của Ban Bí thư, Chỉ thị số 02/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14, Nghị định số 131/2021/NĐ-CP và các chính sách đặc thù của thành phố Hà Nội.
Các hoạt động tuyên truyền sẽ được triển khai linh hoạt thông qua nhiều hình thức: Truyền thông báo chí, mạng xã hội, hệ thống truyền thanh cơ sở, pa-nô, áp phích, khẩu hiệu cổ động và các buổi sinh hoạt chi bộ, đoàn thể.
Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ban chuyên môn trực thuộc để triển khai đồng bộ các hoạt động. Ban Tuyên giáo và Công tác xã hội có nhiệm vụ tham mưu, tổ chức truyền thông và kêu gọi ủng hộ Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa”, phối hợp cùng các cơ quan báo chí phản ánh kịp thời các hoạt động tri ân, biểu dương điển hình tiên tiến.
Ban Công tác Đoàn và Thanh thiếu nhi tổ chức lễ thắp nến tri ân, trao tặng 78 di ảnh liệt sĩ đã được phục dựng cho thân nhân gia đình liệt sĩ. Ban Công tác Phụ nữ, Ban Công tác Nông dân, Ban Công tác Công đoàn, Ban Cựu chiến binh, Ban Dân tộc - Tôn giáo - Hội quần chúng... đều triển khai các hoạt động chăm sóc người có công theo từng nhóm đối tượng, trong đó có chương trình tặng quà, tổ chức “Bữa cơm đền ơn đáp nghĩa”, ra quân vệ sinh môi trường tại các địa bàn dân cư.
Tại cấp xã, phường, Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng với UBND các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, đảm bảo thực hiện đúng đối tượng, chế độ chính sách, công khai, dân chủ, hiệu quả.
Danh sách người có công được tặng quà sẽ được niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã, phường để người dân cùng giám sát. Việc huy động ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” cũng sẽ được tổ chức linh hoạt, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương.
Đặc biệt, các địa phương sẽ chú trọng việc giám sát thực hiện chính sách ưu đãi với người có công, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp lợi dụng chính sách hoặc bỏ sót đối tượng thụ hưởng.
Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực và đầy trách nhiệm, Hà Nội đang tiếp tục khẳng định vai trò đi đầu trong công tác “Đền ơn, đáp nghĩa”, chăm lo người có công. Những hoạt động kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ không chỉ là dịp để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc mà còn là lời nhắc nhở về đạo lý làm người, về truyền thống yêu nước bất diệt, để thế hệ hôm nay và mai sau luôn biết trân quý những hy sinh, cống hiến cho độc lập, tự do và hòa bình của dân tộc.