Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì hội nghị sơ kết về thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW

HẢ NAM
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sáng 2/7, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số chủ trì Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm của Ban Chỉ đạo và triển khai nhiệm vụ các tháng cuối năm.

Cùng dự có Thủ tướng Phạm Minh Chính; Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú; các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tới các điểm cầu 34 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Nhiều kết quả đột phá

Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (Ban Chỉ đạo) chủ trì Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2025.

Phát biểu mở đầu Hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, Ban Chỉ đạo T.Ư tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2025 để đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đây là Nghị quyết có ý nghĩa chiến lược, định hình con đường phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong giai đoạn mới, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang nỗ lực hoàn thành các mục tiêu của nhiệm kỳ và mô hình chính quyền địa phương hai cấp đã chính thức vận hành tại 34 tỉnh, TP từ ngày 1/7/2025.

Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá cao cơ quan thường trực, Ban Chỉ đạo đã rất tích cực, tham mưu, ban hành các kế hoạch triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW. Đồng thời việc ra mắt 3 nền tảng số hôm nay là những công việc có ý nghĩa rất quan trọng.

Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì hội nghị sơ kết về thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW - ảnh 1
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội. Ảnh Viết Thành

Theo Tổng Bí thư, các kế hoạch và nền tảng nêu trên là biểu hiện sinh động trong việc triển khai các chủ trương, nghị quyết của Đảng, mở ra một cách làm khoa học, hiện đại, minh bạch, hiệu quả hơn, chuyển từ cách làm truyền thống sang ứng dụng công nghệ số, chỉ đạo điều hành dựa trên dữ liệu, thời gian thực, đánh giá một cách thực chất hiệu quả, xác định rõ trách nhiệm tập thể, trách nhiệm cá nhân có liên quan.

"Năm 2025, chúng ta vừa tạo ra những nền móng để phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong bối cảnh mới, vừa phải ứng dụng ngay để phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu đạt tăng trưởng GDP từ 8% và ứng dụng ngay để vận hành chính quyền địa phương 2 cấp. Vì vậy các nhiệm vụ đặt ra có nhiều nhiệm vụ mang tính chiến lược nhưng có những nhiệm vụ rất cấp bách, cần thực hiện ngay" - Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị các đại biểu phát huy cao độ trách nhiệm, tập trung thảo luận sâu sắc, thẳng thắn, không né tránh, làm rõ những điểm nghẽn, phân tích kỹ các nguyên nhân và quan trọng nhất là đề xuất những giải pháp đột phá, quyết liệt, khả thi để tạo ra những chuyển biến thực chất, mạnh mẽ, đo lường được trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong 6 tháng cuối năm và thời gian tiếp theo.

Báo cáo sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm 2025 được trình bày tại hội nghị đã nêu bật 6 kết quả quan trọng trong triển khai các nhiệm vụ của Nghị quyết 57-NQ/TW. 

Thứ nhất, về hoàn thiện thể chế, chính sách, ngay trong 6 tháng đầu năm, Quốc hội đã thông qua hai đạo luật có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đó là Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo và Luật Công nghiệp Công nghệ số. Đây là hai luật nền tảng, tạo hành lang pháp lý mới, thể hiện tư duy đổi mới rất sâu sắc của Đảng và Nhà nước, ưu tiên phát triển các lĩnh vực công nghệ chiến lược như trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, dữ liệu lớn, Internet vạn vật.

Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì hội nghị sơ kết về thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW - ảnh 2
Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương phát biểu khai mạc. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Thứ hai, về công tác chỉ đạo, điều hành, Ban Chỉ đạo Trung ương đã hoạt động hết sức quyết liệt, bài bản và sáng tạo. Trong 6 tháng đầu năm, Ban Chỉ đạo đã tổ chức 2 phiên họp toàn thể, 1 phiên họp Thường trực, 13 cuộc họp với Tổ giúp việc; ban hành 16 thông báo kết luận và hơn 30 văn bản chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương. Từng nhiệm vụ cụ thể được phân công rõ ràng, đôn đốc sát sao, gắn với trách nhiệm người đứng đầu.

Thứ ba, về chuyển đổi số, xây dựng hạ tầng số và phát triển dữ liệu, đã đưa vào vận hành Hệ thống giám sát, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW, giúp theo dõi tiến độ, kết quả thực hiện các nhiệm vụ một cách trực tuyến, minh bạch, kịp thời. Bên cạnh đó, đã triển khai Hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị, sáng kiến, giải pháp trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Đây là hai công cụ hết sức quan trọng, góp phần hiện đại hóa công tác chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo, tránh tình trạng báo cáo hình thức, không đúng thực chất...

Về hạ tầng số, đến nay, đã có 12.106 trạm 5G được triển khai, phủ sóng hơn 26% dân số, hướng tới mục tiêu 90% dân số được tiếp cận 5G vào cuối năm 2025. Đồng thời, đang đẩy nhanh xây dựng các Trung tâm dữ liệu quy mô lớn, hình thành cơ sở hạ tầng dữ liệu quốc gia, kết nối các hệ thống từ Trung ương tới địa phương.

Thứ tư, về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong 6 tháng đầu năm, hệ sinh thái khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của đất nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Hiện cả nước có 858 doanh nghiệp khoa học, công nghệ; 45 doanh nghiệp công nghệ cao; trên 73.000 doanh nghiệp công nghệ số đang hoạt động...

Thứ năm, về huy động nguồn lực xã hội, một điểm rất nổi bật trong 6 tháng qua là sự đồng hành, tham gia hết sức tích cực, chủ động của các doanh nghiệp công nghệ lớn trong nước. Các tập đoàn công nghệ lớn, như: Viettel, VNPT, FPT, CMC… đã không chỉ tham gia với vai trò nhà thầu thực hiện dự án, mà còn trực tiếp cùng Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành xây dựng giải pháp, đề xuất chính sách. Điều này cho thấy Nghị quyết số 57-NQ/TW không còn chỉ là việc của Nhà nước, mà đã thực sự lan tỏa ra toàn xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, trở thành phong trào xã hội sâu rộng.

Thứ sáu, một điểm đột phá lớn nhất trong 6 tháng đầu năm chính là việc Ban Chỉ đạo Trung ương đã xây dựng và triển khai Kế hoạch số 02-KH/BCĐTW ngày 19/6/2025 của Ban Chỉ đạo T.Ư về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số "về thúc đẩy chuyển đổi số liên thông, đồng bộ, nhanh, hiệu quả đáp ứng yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị". Đây không chỉ là một kế hoạch hành động cụ thể, mà còn là một mô hình quản trị mới, hiện đại, dựa trên dữ liệu, rất phù hợp với yêu cầu sắp xếp bộ máy theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp.

Ưu tiên nguồn vốn cho các nhiệm vụ trọng điểm

Ban Chỉ đạo T.Ư về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới. Cụ thể,

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thông thoáng, đột phá. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, có tính nền tảng. Phải tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung các luật, nghị định, thông tư, nhất là những lĩnh vực còn vướng mắc, bất cập, như: Xây dựng các quy định cụ thể để triển khai Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo và Luật Công nghiệp công nghệ số vừa được Quốc hội thông qua...

Thứ hai, về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, ban hành hướng dẫn, đề xuất phương án tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động chiến lược thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị; xây dựng dịch vụ công trực tuyến "Đăng ký và quản lý sáng kiến đột phá"; xây dựng quy trình thủ tục xét chọn sáng kiến dự án nêu trong kế hoạch hành động chiến lược; xây dựng tiêu chí, quy chế quản lý, chế độ làm việc, đãi ngộ và quy trình tuyển dụng tổng công trình sư, kiến trúc sư trưởng triển khai các hệ thống chiến lược, các sáng kiến đột phá như đã nêu trong kế hoạch hành động chiến lược.

Thứ ba, hướng dẫn, đào tạo cho các bộ, ngành, địa phương nắm vững cách vận hành hệ thống quản lý nhiệm vụ điện tử; bảo đảm 100% cấp xã có thể trực tiếp báo cáo trên hệ thống điện tử, giảm tối đa báo cáo giấy, rút ngắn thời gian xử lý thông tin. Chuẩn hóa các chỉ tiêu, dữ liệu để đưa vào hệ thống giám sát, đánh giá, bảo đảm “nói phải đi đôi với làm”, không để tồn tại tình trạng báo cáo hình thức...

Thứ tư, đẩy nhanh phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, tạo nền tảng đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Đây là nhiệm vụ sống còn để bộ máy mới có thể vận hành hiệu quả, do đó, phải tập trung xóa “điểm lõm sóng, thiếu điện”, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, bảo đảm phủ sóng 5G đạt trên 90% dân số vào cuối năm 2025. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trung tâm dữ liệu quốc gia, hình thành trục kết nối dữ liệu liên thông từ Trung ương tới cơ sở...

Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì hội nghị sơ kết về thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW - ảnh 3
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước thực hiện nghi thức ấn nút ra mắt 3 nền tảng số

Thứ năm, phát triển mạnh mẽ nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn. Theo đó, cần đẩy nhanh xây dựng các chương trình đào tạo chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, an ninh mạng, dữ liệu lớn… Ngoài ra, tiếp tục thu hút đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học trong nước và nước ngoài, kể cả chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài, tạo điều kiện để họ cống hiến lâu dài.

Thứ sáu, tập trung bố trí nguồn lực tài chính một cách tập trung, hiệu quả, trán dàn trải, hình thức. Theo đó, sẽ tập trung ưu tiên nguồn vốn cho các nhiệm vụ trọng điểm, có tác động lan tỏa lớn, không dàn trải, manh mún; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mạnh mẽ nguồn lực của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp công nghệ lớn trong nước; xây dựng cơ chế thử nghiệm (sandbox) để khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ mới, có tính đột phá.

Thứ bảy, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm thực chất, hiệu quả; thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện các nhiệm vụ ở tất cả các cấp; đẩy mạnh cơ chế kiểm tra chéo, nhất là giữa các đơn vị trong hệ thống chính trị; công khai kết quả thực hiện trên hệ thống giám sát, đánh giá để toàn xã hội cùng giám sát.

Dịp này, dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính, hội nghị đã ra mắt 3 nền tảng số đó là Cổng thông tin điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam - tiếng nói chính thống của Đảng trên không gian số; Hệ thống giám sát, đánh giá Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị và Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị, giải pháp, sáng kiến phát triển phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Đại hội Đảng bộ Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội nhiệm kỳ 2025-2030 thành công tốt đẹp

Đại hội Đảng bộ Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội nhiệm kỳ 2025-2030 thành công tốt đẹp

(PNTĐ) - Sáng 3/7, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức Đại hội Đại biểu nhiệm kỳ 2025 – 2030 với chủ đề “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Động lực phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy UBND thành phố, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn dự và chỉ đạo tại Đại hội.
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp xúc cử tri Hà Nội sau Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp xúc cử tri Hà Nội sau Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV

(PNTĐ) - Chiều ngày 2/7, tại Trụ sở phường Đống Đa, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, đơn vị bầu cử số 1 đã tiếp xúc cử tri 11 phường (Ba Đình, Ngọc Hà, Giảng Võ, Đống Đa, Kim Liên, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Láng, Ô Chợ Dừa, Hai Bà Trưng, Vĩnh Tuy, Bạch Mai), báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV và lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Hà Nội: Ngày đầu tiên thực hiện chính quyền 2 cấp, người dân phấn khởi vì thủ tục nhanh gọn

Hà Nội: Ngày đầu tiên thực hiện chính quyền 2 cấp, người dân phấn khởi vì thủ tục nhanh gọn

(PNTĐ) - Sáng 1/7, Hà Nội chính thức bước vào ngày đầu tiên vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp tại 126 xã, phường mới. Theo ghi nhận của phóng viên tại một số phường trên địa bàn Hà Nội, công tác chuyển tiếp được diễn ra suôn sẻ, đúng kịch bản, không gây xáo trộn đời sống người dân.