Việc sửa đổi Hiến pháp 2013 để tạo hành lang pháp lý là cần thiết và phù hợp
(PNTĐ) - Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 tập trung vào việc kiện toàn hệ thống chính trị. Theo các ý kiến góp ý, những thay đổi này nhằm thu gọn đầu mối, tăng hiệu quả hoạt động, giúp Mặt trận và các tổ chức thành viên thực sự trở thành cầu nối vững chắc giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Việc chỉ định, lựa chọn, giới thiệu nhân sự vẫn được tiến hành chặt chẽ
Theo Luật sư Đào Ngọc Chuyền - Chủ nhiệm Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội nhất trí với nội dung Điều 2 Dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiếp pháp 2013. Ông cho rằng, thứ nhất, do tính chất hết sức đặc biệt của việc sắp xếp đơn vị hành chính lần này. Ngoài quy mô rất lớn, mang tính toàn quốc của việc sáp nhập tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, chúng ta còn kết hợp thực hiện chủ trương lớn của Đảng về việc không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện, các cơ quan trực thuộc chính quyền địa phương cấp huyện sẽ kết thúc hoạt động cùng thời điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã. Trong điều kiện tổ chức bộ máy có sự thay đổi, biến động lớn như vậy, thời gian còn lại của nhiệm kỳ HĐND còn rất ngắn, đại biểu HĐND ở các đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp được tập hợp từ nhiều đơn vị hành chính trước đó khó có điều kiện nhận biết, đánh giá chính xác về năng lực của đội ngũ cán bộ sau sắp xếp.

Thứ hai, để đáp ứng yêu cầu bố trí, sắp xếp cán bộ, đặc biệt cán bộ đang công tác cấp huyện đến làm việc ở cơ quan mới tại cấp tỉnh, cấp xã, khai thác tối đa nguồn nhân lực hiện có thì việc áp dụng cơ chế chỉ định đối với người giữ chức vụ lãnh đạo ở các cơ quan UBND, HĐND tại các đơn vị thực hiện sắp xếp là cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Thứ ba, việc chỉ định, lựa chọn, giới thiệu nhân sự vẫn được tiến hành chặt chẽ, cấp ủy có thẩm quyền quản lý cán bộ có trách nhiệm thực hiện theo đúng quy trình của Đảng. Thứ tư, cơ chế chỉ định nhân sự thực hiện trong năm 2025 để phục vụ việc sắp xếp đơn vị hành chính lần này gắn với nội dung được sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp, còn sau bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 và các năm tiếp theo tiếp tục thực hiện bầu nhân sự bình thường theo đúng quy định hiện hành, HĐND sẽ bầu các chức danh của HĐND và UBND. Thứ năm, thực tế, Đảng và Nhà nước đã có quá trình thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU từ năm 2017, đặc biệt gần đây nhất từ tháng 12/2024 đến nay, công tác nhân sự thực hiện chu đáo, rõ người, rõ việc, rõ năng lực cán bộ, để sau khi sáp nhập tỉnh, có thể chỉ định các chức danh lãnh đạo (như quy định tại khoản 3 Điều 2 dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013).
PGS.TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội đồng tình với việc trong Dự thảo, Điều 9 được bổ sung: "Là bộ phận của hệ thống chính trị của nước CHXHCN Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo” vì có ý nghĩa khẳng định vị trí chính trị - pháp lý của Mặt trận trong mối quan hệ gắn bó, phối hợp với Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội khác.
Bảo đảm đồng bộ với quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy
Ông Nguyễn Huy Khánh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố cho biết, qua tổng hợp ý kiến của đoàn viên, NLĐ và nghiên cứu dự thảo có một số ý kiến. Trong bối cảnh toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị tập trung thực hiện, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả thì việc sửa đổi Hiến pháp để tạo hành lang pháp lý là cần thiết và phù hợp, đặc biệt là mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Dự thảo được xây dựng kỹ lưỡng, khoa học, vừa bao quát toàn diện, vừa cụ thể, thiết thực và tập trung vào các vấn đề cần sửa đổi. Về tổng thể, đoàn viên, NLĐ đồng tính, đánh giá cao đối với bản Dự thảo.

Đối với vai trò, vị thế của MTTQ việt Nam được thể hiện Điều 9 Dự thảo là phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng đã đề ra cũng như thực tiễn đất nước ta. Việc quy định các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ Việt Nam, hoạt động thống nhất dưới sự chủ trì của Mặt trận là một bước đi quan trọng. Điều này làm tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp lại các tổ thành viên, giảm bớt sự trùng lặp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm sự đồng bộ với cơ cấu tổ chức Đảng, giúp MTTQ và các tổ chức thành viên gần dân hơn, sát dân hơn.
Ông Nguyễn Huy Khánh cho rằng, tại Khoản 2 Điều 9 quy định “Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ Việt nam đề nghị sửa lại là “Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị - xã hội thành viên trực thuộc MTTQ Việt Nam” để thống nhất với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật mặt trận Tổ quốc Việt nam số 75/2015/QH13, Luật Công đoàn số 50/2024/QH15; Luật Thanh niên số 57/2020/QH14, Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở số 10/2022/QH 15. Nhấn mạnh vai trò và chức năng quan trọng của Công đoàn Việt Nam khi quy định “... cùng với các tổ chức thành viên khác của Mặt trận hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động dưới sự chủ trì của MTTQ Việt nam” không nên dùng chữ “dưới” mà đề nghị sửa lại thành “với sự chủ trị của MTTQVN” để phù hợp hơn...
Phát biểu kết luận tại hội nghị góp ý đối với Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương cho biết: Ý kiến góp ý của các đại biểu đều rất xác đáng, tập trung nội dung liên quan trực tiếp đến MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên. Các ý kiến đã nhấn mạnh, làm rõ, phân tích kỹ những nội dung liên quan quyền, trách nhiệm của Mặt trận và các tổ chức thành viên.

Cơ bản đồng tình với nội dung dự thảo sẽ sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung, các ý kiến tiếp tục khẳng định vị trí của MTTQ trong hệ thống chính trị, vai trò đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, đoàn viên, hội viên trong các tổ chức chính trị - xã hội; đánh giá và phân tích kỹ hơn về mối quan hệ để thể hiện rõ cơ chế vận hành, kế thừa được truyền thống của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên, bảo đảm đồng bộ với quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Đồng chí Nguyễn Lan Hương đề nghị MTTQ tiếp tục đa dạng hóa hình thức, triển khai sâu rộng, thực chất việc lấy ý kiến nhân dân. Ngoài tổ chức hội nghị, phải tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đóng góp ý kiến tích cực trên các nền tảng số. Các báo cáo tổng hợp ý kiến của MTTQ Việt Nam các quận, huyện, thị xã, các tổ chức thành viên phải được tập hợp và gửi về MTTQ Việt Nam thành phố đầy đủ, đúng hạn. Trên cơ sở đó, MTTQ Việt Nam thành phố sẽ tổng hợp, gửi các cơ quan có thẩm quyền.