Hà Nội- điểm đến lý tưởng của các concert quốc tế



Concert "Anh trai say hi" tại sân vận động Mỹ Đình vào tháng 5, tiếp đến là "Anh trai vượt ngàn chông gai" tại Ocean Park vào tháng 6 và gần đây nhất là đại nhạc hội Kpop với sự góp mặt của huyền thoại G-Dragon vào tối 21/6 đều bất ngờ gặp phải thời tiết khắc nghiệt: Mưa trắng trời, gió lớn, thậm chí cả chớp giật xé ngang bầu trời đêm. Song vượt lên mọi trở ngại, những đêm nhạc ấy không chỉ diễn ra trọn vẹn mà còn trở thành biểu tượng cho tinh thần kiên cường, đam mê và chuyên nghiệp của nghệ sĩ, khán giả cùng toàn bộ ê-kíp tổ chức.
Giữa cơn mưa không ngớt, hình ảnh hàng chục nghìn cây gậy phát sáng đồng loạt rực lên trên khán đài đã trở thành khoảnh khắc vô cùng đáng nhớ. Mưa không làm nguội đi bầu nhiệt huyết, ngược lại càng làm sáng rõ hơn tình cảm nồng nàn của khán giả dành cho nghệ sĩ và nghệ thuật. Với các nghệ sĩ, đó là một hình ảnh khó quên, thậm chí gây xúc động sâu sắc. Trường hợp của G-Dragon là minh chứng điển hình.
Anh xuất hiện sau cùng trong đêm đại nhạc hội khi trời đổ mưa lớn nhất. Mưa phủ dày đến mức khiến hình ảnh sân khấu trở nên mờ ảo như một lớp sương, nhưng không nhiều khán giả rời đi. Ngược lại, biển ánh sáng được tạo nên từ gậy light- stick từ dưới khán đài như thay lời động viên, tiếp thêm năng lượng cho nghệ sĩ. Sau đêm diễn, chính G-Dragon đã đăng tải hình ảnh biểu diễn dưới mưa trên các nền tảng cá nhân, bày tỏ lòng cảm kích đối với khán giả Hà Nội. Ngay sau đó, thông tin về việc anh dự kiến trở lại Hà Nội tổ chức concert cá nhân vào cuối năm nay đã khiến cộng đồng người hâm mộ khắp châu Á xôn xao.
Những đêm nhạc "ướt mưa" ấy không chỉ mang lại giá trị cảm xúc mà còn là bài kiểm nghiệm đầy thực tế về năng lực tổ chức của các đơn vị sản xuất sự kiện tại Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung. Không có bất kỳ sự hỗn loạn hay sự cố lớn nào xảy ra dù điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Trái lại, tất cả được xử lý chuyên nghiệp, linh hoạt và hiệu quả. Đêm diễn “Anh trai vượt ngàn chông gai” từng xảy ra sự cố mất điện trong chốc lát nhưng đã nhanh chóng được khắc phục.

Trong khi đó, ở concert “Anh trai say hi”, khi mưa lớn và gió mạnh ập đến, nhiều khán giả phải di chuyển vào trong sảnh trú mưa, đội ngũ tình nguyện viên, nhân sự hậu trường vẫn luôn túc trực hỗ trợ, nhắc nhở khán giả đi lại cẩn thận, mở lối dẫn, cung cấp thông tin, đảm bảohợp chặt chẽ và tinh thần trách nhiệm cao này đã góp phần tạo nên ấn tượng, sự tin tưởng sâu đậm với khán giả. Đặc biệt là với bạn bè quốc tế và nghệ sĩ nước ngoài ở các đại nhạc hội có yếu tố quốc tế, “quyến rũ” nhiều nghệ sĩ sớm quay trở lại. Jisoo của BlackPink đã trở lại Hà Nội chỉ sau vài tháng để tổ chức buổi gặp mặt người hâm mộ.
Sự kiện G-Dragon và trước đó là BlackPink, Jisoo… liên tục biểu diễn tại Hà Nội không chỉ cho thấy sự tin tưởng của nghệ sĩ quốc tế đối với Việt Nam, mà còn phản ánh một thực tế đáng mừng: Hà Nội đang từng bước trở thành điểm đến đáng chú ý của các tour diễn tầm cỡ khu vực và thế giới.
Đáng nói, chỉ vài năm trước, vẫn còn nhiều hoài nghi rằng Việt Nam khó có thể đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, tổ chức và an ninh cho các chương trình quy mô lớn như vậy. Nhưng nay, mọi thứ đã thay đổi. Chính khán giả Việt với sự đam mê nghệ thuật sâu sắc, sự văn minh và chịu chi trong thưởng thức văn hoá đã trở thành yếu tố hấp dẫn hàng đầu với nghệ sĩ quốc tế. Những đêm nhạc tại Hà Nội với hàng chục nghìn đến hàng trăm nghìn người tham dự không thua kém bất cứ sân khấu lớn nào trên thế giới. Đây không chỉ là thành công của từng sự kiện riêng lẻ mà còn là tín hiệu tích cực cho sự phát triển vững chắc của ngành công nghiệp giải trí Thủ đô.

Tại một hội thảo về công nghiệp văn hoá, đạo diễn Việt Tú từng đưa ra dẫn chứng tiêu biểu về những sản phẩm có nguồn gốc từ văn hóa đóng góp vào tăng trưởng kinh tế như chuyến lưu diễn The Eras Tour của Taylor Swift – đóng góp tới 5,7 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ, lớn hơn GDP của 42 quốc gia; và làn sóng K-pop – với các nhóm nhạc như BTS, BlackPink – đã giúp Hàn Quốc nâng tầm thương hiệu quốc gia, chiếm 6% GDP, thu hút hàng triệu lượt khách quốc tế. Từ đó, một câu hỏi lớn được đặt ra cho Việt Nam mà đạo diễn Việt Tú thường nhận được là: khi nào chúng ta sẽ có một nghệ sĩ, một nhóm nhạc, một sự kiện văn hoá đủ sức tạo nên ảnh hưởng sâu rộng như thế?
Thực tế những gì đang diễn ra tại Hà Nội thời gian gần đây đã cho thấy câu trả lời không còn xa vời. Hàng loạt đêm concert quy mô lớn như chuỗi chương trình “Anh trai say hi”, “Anh trai vượt ngàn chông gai” hay các sự kiện có sự tham gia của ngôi sao quốc tế như G-Dragon, BlackPink đã thu hút hàng chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn khán giả trong và ngoài nước. Dù mưa lớn, gió mạnh hay thời tiết khắc nghiệt, tinh thần tham dự của khán giả không hề giảm sút. Đây không chỉ là biểu hiện của tình yêu nghệ thuật, mà còn là chỉ số rõ ràng về sức hấp dẫn của thị trường văn hoá Thủ đô.
Điều đáng nói là, các concert ấy không chỉ đơn thuần là sự kiện giải trí. Mỗi lần khán giả đổ về từ khắp các tỉnh thành và quốc gia lân cận, Hà Nội lại được “kích hoạt” như một trung tâm du lịch, ẩm thực, mua sắm, lưu trú và trải nghiệm văn hoá. Những chuyến đi dạo quanh Hồ Gươm, những bức ảnh giao lưu của nghệ sĩ quốc tế với người hâm mộ Hà Nội, đã góp phần quảng bá sống động và đầy thiện cảm hình ảnh Thủ đô Việt Nam ra thế giới. Giải trí khi đó không chỉ là sân khấu, mà là toàn bộ đời sống đô thị được “kể chuyện” bằng cảm xúc, bằng nghệ thuật và bằng trải nghiệm chân thực.

Từ góc nhìn quản lý văn hoá, tiến sĩ Nguyễn Phương Hòa – Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) – nhấn mạnh rằng để phát huy sức mạnh mềm quốc gia, Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn vào việc tổ chức các sự kiện văn hóa - nghệ thuật mang tầm khu vực và quốc tế. Đây không chỉ là cơ hội để tiếp nhận tinh hoa văn hóa thế giới, mà còn là dịp để chúng ta giới thiệu những sản phẩm sáng tạo, đặc trưng, đậm đà bản sắc Việt Nam. Đặc biệt, các địa phương cần chủ động xây dựng và định vị các thương hiệu văn hóa riêng, như Hà Nội với “Thành phố sáng tạo”, LHP Quốc tế Hà Nội, Lễ hội Thiết kế sáng tạo, Liên hoan Âm nhạc Gió mùa...
Trong bức tranh đó, Hà Nội đang dần định hình là một điểm đến đáng tin cậy của các nhà tổ chức concert quốc tế. Từ khả năng tổ chức chuyên nghiệp, xử lý sự cố hiệu quả, đến tinh thần văn minh, nhiệt thành của khán giả Việt, tất cả đã và đang trở thành những “lực hấp dẫn” quan trọng. Chính nhờ sự cộng hưởng này, không ít ngôi sao quốc tế đã quay lại Hà Nội chỉ sau vài tháng như Jisoo (BlackPink), hay lựa chọn Thủ đô là điểm dừng chân trong các tour diễn châu Á như nam thần tượng Kim Jae Joong với “Beauty in Chaos” (14/6/2025).
Tuy nhiên, để Hà Nội thực sự trở thành điểm đến lý tưởng của các concert quốc tế, không thể chỉ trông chờ vào sự yêu mến tự nhiên. Điều quan trọng là cần có chiến lược đầu tư đồng bộ và lâu dài: từ quy hoạch hạ tầng sự kiện (sân khấu, giao thông, an ninh…), phát triển đội ngũ tổ chức chuyên nghiệp, đến chính sách hỗ trợ về văn hóa - du lịch - truyền thông. Thành phố cần chủ động thu hút các nhà tổ chức quốc tế, đồng thời xây dựng mạng lưới nghệ sĩ, nhà sản xuất trong nước đủ năng lực cạnh tranh và hội nhập.
Những gì Hà Nội đang có – thị trường tiềm năng, khán giả nhiệt thành, năng lực tổ chức đang phát triển và dấu ấn ngày càng rõ rệt của các concert tầm cỡ – là nền tảng vững chắc. Điều còn thiếu chỉ là một cú hích chiến lược. Và nếu điều đó xảy ra, không chỉ là một BlackPink, một G-Dragon hay một concert riêng lẻ, mà Hà Nội hoàn toàn có thể trở thành điểm sáng lớn của bản đồ giải trí toàn cầu, nơi mà mỗi nghệ sĩ đều khao khát một lần đặt chân tới để cống hiến, và mỗi khán giả đều mong muốn được một lần trải nghiệm.