“Nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha lên đường cho một cuộc lãng du mới”

THU MÂY
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sau thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư, nhà thơ, nhạc sỹ, nhà phê bình âm nhạc, nhà báo Nguyễn Thụy Kha đã từ trần ngày 13/3 tại Hà Nội, hưởng thọ 77 tuổi.

Tưởng nhớ nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha, Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam viết trên trang cá nhân lời tiễn biệt: “Nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha lên đường cho một cuộc lãng du mới”.

“Nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha lên đường cho một cuộc lãng du mới” - ảnh 1
Nhà thơ, nhà báo, nhạc sĩ, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng chia sẻ: "Nghĩ về ông, tôi luôn thấy hiện lên hình ảnh một lãng tử đi qua thế gian này, vừa đi, vừa viết, vừa ôm đàn ca hát rồi khuất bóng nhẹ nhàng. Ông là một trong những người sống hết cơ số của cuộc đời. Ông sống như ông muốn, ông viết như ông muốn và ông chơi cũng như ông muốn. Ông không phải làm những gì mà ông không muốn làm. Ông được sống như chính con người ông. Điều này không dễ dàng với hầu hết mọi người. Tôi không nghĩ đến việc kết thúc cuộc đời của ông.

Tôi nghĩ ông đã kết thúc cuộc lãng du trên thế gian này và đi về một nơi chốn khác với những công việc khác. Chính vậy mà sự ra đi của ông không để lại trong tôi một cảm giác nặng nề cho dù từ ngày mai sẽ không còn cơ hội nào để uống cùng ông, nghe ông đọc thơ và hát".

Nhà thơ, nhạc sỹ, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha sinh năm 1949 tại Thái Bình, quê gốc tại thôn Ngãi Am, xã Hòa Bình, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng, ông có nhiều đóng góp cho nền thơ ca và âm nhạc Việt. Ông là tác giả của tập thơ chống Mỹ nổi tiếng “Thời máu xanh” và có gia tài đồ sộ với rất nhiều tác phẩm thơ, bút ký về văn học nghệ thuật, phê bình âm nhạc cũng như các tác phẩm âm nhạc. Bài hát đầu tiên ông sáng tác dành tặng trường cấp 3 của mình, “Hành khúc tự vệ trường Thái Phiên,” đến nay vẫn còn nổi tiếng.

Ông tốt nghiệp Đại học Thông tin năm 1971, vào bộ đội và công tác tại Binh chủng Thông tin cho đến năm 1990. Ông làm lính thông tin xuyên Trường Sơn, từng trải qua những năm tháng chiến đấu khốc liệt ở thành cổ Quảng Trị, Khu 5 và Tây Nguyên.

“Nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha lên đường cho một cuộc lãng du mới” - ảnh 2
 Nhà thơ, nhạc sỹ, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha.

Ông học Trường viết văn Nguyễn Du từ năm 1979-1983, hoạt động sôi nổi trong nhiều lĩnh vực từ văn học cho đến âm nhạc, điện ảnh rồi báo chí. Ông đã xuất bản trên 15 tập thơ, 10 tập bút ký về văn học nghệ thuật, về các nhà thơ, nhạc sỹ, trong đó nổi bật có thể kể đến “Văn Cao - người đi dọc biển,” “Nửa thế kỷ Tân nhạc Việt Nam,” “Những gương mặt âm nhạc thế kỷ,” “Huy Du-đời và nhạc”…

Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là bài thơ “Không đề,” dù chỉ vỏn vẹn 4 câu song từng được bao thế hệ ghi nhớ nằm lòng: “Đưa người yêu qua nhà người yêu cũ/ Rơi cơn mưa ban trưa/ Chợt thấy mình tách làm hai nửa/ Nửa ướt bây giờ nửa ướt xa xưa.”

Ngoài ra, ông còn là tác giả một số tập nhạc, kịch bản phim chân dung, lời bình hàng chục bộ phim.

Ông được trao Giải thưởng thơ báo Văn Nghệ 1981-1982; Giải thưởng Lê Quý Đôn 1986; Giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm 1982; Giải thưởng Hội Nhạc sỹ Việt Nam liên tục từ 1996-2005; Giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2004; Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật (2023)./.

Trước sự ra đi của nhà thơ, nhạc sĩ, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long bày tỏ sự thương tiếc với một tên tuổi uy tín của âm nhạc Việt Nam trong lĩnh vực lý luận, phê bình và báo chí âm nhạc.

“Ông như một nhà sử học về âm nhạc nói chung, nhạc tiền chiến, cách mạng và nhạc mới Việt Nam (Tân nhạc) thế kỷ 20 nói riêng”- Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long nhấn mạnh.

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long cũng kể, trước Tết anh cùng nhạc sĩ Giáng Son và nghệ sĩ hát xẩm Mai Tuyết Hoa vào thăm nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, anh tươi cười và vui vẻ cho biết đã khoẻ lên, sắp hết một đợt điều trị và chuẩn bị xuất viện. Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha còn bày tỏ vui vì được bạn bè thương yêu đồng hành trong những ngày chiến đấu với bệnh tật.

“Chia tay anh buổi tối cuối năm, 3 đứa chúng tôi bảo nhau thi thoảng ghé nói chuyện để anh vui, và hẹn nhau sau Tết, sau show của Giáng Son sẽ chạy qua thăm anh, nhưng việc cứ liên tiếp hết đứa này đi tỉnh lại đến đứa kia đi, chưa kịp thăm thì trưa nay nhận tin anh không còn trên cõi tạm này nữa”- Nguyễn Quang Long tiếc thương cho biết.

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long cũng nói, khi đến thăm nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, ông nói rất nồng nhiệt về câu chuyện âm nhạc thời tiền chiến, cách mạng về những nhân vật âm nhạc lừng lẫy một thời. Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long nhấn mạnh, là những câu chuyện mà chỉ có nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha là người nắm rõ. Bởi vậy, mất mát này cũng là mất mát của âm nhạc, phê bình âm nhạc Việt.

“Nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha lên đường cho một cuộc lãng du mới” - ảnh 3
Họa sĩ Lê Thiết Cương, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha và ca sĩ Ngọc Châm tại buổi ra mắt 13 cuốn sách của ông năm 2017.

Năm 2017, nhạc sĩ, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha từng gây ấn tượng khi cùng lúc ra mắt 13 cuốn sách về chân dung âm nhạc Việt. Tại sự kiện này, ông cũng đã trao tặng cho ca sĩ, nhà sản xuất âm nhạc Ngọc Châm bộ sách với lý do: "Đây là người tôi coi như cháu gái, truyền nhân của mình. Ngọc Châm là người khởi xướng chuỗi chương trình "Vàng son một thuở" - cái tên rất ý nghĩa vinh danh những nhạc sĩ nổi tiếng một thời. Công việc của tôi và cô ấy đều có mục đích giống nhau".

Nhận được tin nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha qua đời, Ngọc Châm bày tỏ, cô luôn nhớ đến sự lạc quan, tinh thần mạnh mẽ của ông trong cuộc sống. Khi cô nhắn tin hỏi thăm sức khỏe ông, ông thường nhắn lại rất lạc quan như: “Bác là kim cương bất hoại” khiến cô luôn cảm thấy được truyền một năng lượng sống tích cực.

Đúng như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã viết, nhà thơ, nhạc sĩ, nhà phê bình âm nhạc, nhà báo Nguyễn Thụy Kha thực sự đã “sống hết cơ số của cuộc đời”. Sinh thời, nhà thơ, nhạc sĩ, nhà phê bình âm nhạc, nhà báo Nguyễn Thụy Kha cũng từng cộng tác với báo Phụ nữ Thủ đô các bài viết về phê bình âm nhạc được bạn đọc yêu thích.

Tin cùng chuyên mục

Sao mai Thu Hằng nhiều lần muốn rơi nước mắt khi  hát tại tri ân Nghĩa trang Đường 9 Quảng Trị

Sao mai Thu Hằng nhiều lần muốn rơi nước mắt khi hát tại tri ân Nghĩa trang Đường 9 Quảng Trị

(PNTĐ) - Nữ nghệ sĩ nói về cảm xúc khi hát tri ân Anh hùng, Liệt sĩ tại Nghĩa trang Đường 9 (Quảng Trị): "Cảm giác đứng giữa nơi đây hát luôn rất đặc biệt, khó diễn tả. Tôi thấy mình không phải hát cho những khán giả đang ngồi dưới khán đài, mà là đang hát cho gần 11.000 anh hùng liệt sĩ đang yên nghỉ tại đây. Rất nhiều khi khóe mắt muốn cay, lồng ngực như nghẹn lại".
Vĩnh biệt họa sĩ tài danh Lê Thiết Cương

Vĩnh biệt họa sĩ tài danh Lê Thiết Cương

(PNTĐ) - Lê Thiết Cương - họa sĩ, nhà giám tuyển và phê bình mỹ thuật gạo cội - qua đời ở tuổi 63 sau thời gian mắc trọng bệnh. Tin từ gia đình cho biết, họa sĩ qua đời vào 18h55 tối 17/7 tại nhà riêng. Tin buồn khiến nhiều người bất ngờ bởi cách đây chưa lâu, họa sĩ còn có buổi giao lưu ra mắt cuốn sách mới của ông mang tên Trò chuyện với hội họa.
Vở kịch nói “Đối mặt” - một tác phẩm sân khấu mang nhiều giá trị nghệ thuật và ý nghĩa chính trị sâu sắc

Vở kịch nói “Đối mặt” - một tác phẩm sân khấu mang nhiều giá trị nghệ thuật và ý nghĩa chính trị sâu sắc

(PNTĐ) - Trong không khí hào hùng của tháng Tám lịch sử - mùa Thu Cách mạng, chào mừng 80 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam (19/8/1945 - 19/8/2025), 80 năm Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2025) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2025), Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật vở kịch nói “Đối mặt” - một tác phẩm sân khấu mang nhiều giá trị nghệ thuật và ý nghĩa chính trị sâu sắc.
Sức hút từ những gameshow “sao về quê”

Sức hút từ những gameshow “sao về quê”

(PNTĐ) - Gia đình Haha, Sao nhập ngũ, 2 ngày 1 đêm… loạt gameshow đưa nghệ sĩ về trải nghiệm đời sống thường nhật ở thôn quê đang trở thành món ăn tinh thần được khán giả đón nhận mạnh mẽ. Không phải mô hình mới nhưng vẫn trở thành xu hướng, vì sao “sao về quê” lại gây nghiện?
 Văn hóa, du lịch, thể thao 6 tháng đầu năm: Nhiều điểm sáng, chuyển biến tích cực

Văn hóa, du lịch, thể thao 6 tháng đầu năm: Nhiều điểm sáng, chuyển biến tích cực

(PNTĐ) - Sáng 17/7, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2025. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng chủ trì Hội nghị. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại trụ sở Bộ VHTTDL và trực tuyến tới 34 điểm cầu tại 34 tỉnh, thành trên cả nước.