Ca bệnh hiếm gặp được cứu sống nhờ kỹ thuật thay huyết tương

THẢO HƯƠNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Các bác sĩ Bệnh viện Hữu Nghị vừa điều trị thành công một ca bệnh hiếm gặp - hội chứng xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối - nhờ kỹ thuật thay huyết tương hiện đại.

Ngày 9/6, bác sĩ Tô Hoàng Dương - Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Hữu Nghị - cho biết, đơn vị vừa điều trị thành công cho bệnh nhân nam, 43 tuổi (trú tại Hà Nội), nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Trước đó, ngày 19/5, bệnh nhân L.Q.K nhập viện vì đau đầu, sốt, chóng mặt và buồn nôn. Tại Khoa Cấp cứu, các kết quả xét nghiệm cho thấy người bệnh bị giảm tiểu cầu nghiêm trọng (23,1 G/L), thiếu máu (hồng cầu 2,61 T/L, hemoglobin 89,1 g/L), men gan và bilirubin tăng, cùng chỉ số đông máu bất thường (D-dimer 1489 ng/ml). Các chẩn đoán ban đầu đã loại trừ tai biến mạch máu não, bệnh lý thần kinh trung ương, sốt xuất huyết hay xuất huyết tiêu hóa.

Ca bệnh hiếm gặp được cứu sống nhờ kỹ thuật thay huyết tương - ảnh 1
Bác sĩ BV Hữu Nghị thăm khám cho bệnh nhân

Dù đã được truyền hồng cầu, tiểu cầu, sử dụng corticoid và kiểm soát đường huyết, tình trạng người bệnh không cải thiện đáng kể. Tiểu cầu vẫn ở mức thấp nguy hiểm.

Ngày 30/5, xét nghiệm định lượng ADAMTS13 - một enzym tham gia điều hòa ngưng tập tiểu cầu - cho kết quả < 5%. Bệnh nhân được hội chẩn liên khoa Cấp cứu - Huyết học - Hồi sức tích cực và được xác định mắc hội chứng xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối (TTP).

Theo các bác sĩ, TTP là hội chứng hiếm gặp, thuộc nhóm bệnh huyết khối vi mạch. Bệnh xảy ra khi thiếu hụt ADAMTS13 - dẫn đến sự tích tụ quá mức của yếu tố đông máu von Willebrand, gây ngưng kết tiểu cầu bất thường. TTP có thể nguyên phát (không rõ nguyên nhân) hoặc thứ phát sau các bệnh tự miễn, nhiễm trùng, dùng thuốc, ghép tạng, mang thai… Triệu chứng thường gặp gồm: sốt, thiếu máu, giảm tiểu cầu, rối loạn thần kinh và có thể gây suy thận, hôn mê.

Tỷ lệ tử vong nếu không được điều trị có thể lên đến 80-90%. Tuy nhiên, nếu được chẩn đoán sớm và điều trị đúng hướng, tỷ lệ tử vong giảm còn dưới 15%.

Ngay sau chẩn đoán, bệnh nhân được chuyển về Khoa Hồi sức tích cực để tiến hành thay huyết tương - một kỹ thuật lọc máu nhằm loại bỏ huyết tương chứa kháng thể gây bệnh và bổ sung huyết tương từ người hiến khỏe mạnh.

“Thay huyết tương giúp cung cấp lại enzym ADAMTS13, cải thiện tình trạng giảm tiểu cầu và các rối loạn đông máu, tạo điều kiện phục hồi cho người bệnh” - bác sĩ Tô Hoàng Dương cho biết.

Bệnh nhân được lọc huyết tương tổng cộng 5 lần, sử dụng gần 100 đơn vị huyết tương tươi đông lạnh. Qua từng lần điều trị, bệnh nhân cải thiện rõ rệt: Tỉnh táo, hết mệt mỏi, tiểu cầu tăng dần, men gan và các chỉ số đông máu trở lại bình thường.

Hiện tại, người bệnh đã qua giai đoạn nguy hiểm, tự ăn uống và vận động nhẹ tại giường. Bệnh nhân sẽ được chuyển về Khoa Huyết học để tiếp tục theo dõi và điều trị ngoại trú.

Tin cùng chuyên mục

Báo động dịch sốt xuất huyết bùng phát trong mùa mưa

Báo động dịch sốt xuất huyết bùng phát trong mùa mưa

(PNTĐ) - Mùa mưa đến cũng là thời điểm sốt xuất huyết (SXH) bùng phát. Bệnh có thể diễn biến nhanh, nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Hiện nay, chúng ta đang bước vào giai đoạn cao điểm của dịch với nguy cơ bùng phát phức tạp.
7 nguyên nhân gây mất ngủ kéo dài

7 nguyên nhân gây mất ngủ kéo dài

(PNTĐ) - Mất ngủ không đơn thuần là thiếu ngủ. Đó là tình trạng không hài lòng về số lượng hoặc chất lượng giấc ngủ, kéo dài ít nhất 3 đêm/tuần trong ít nhất 3 tháng, dù có đủ cơ hội để ngủ, gây ra đau khổ hoặc suy giảm đáng kể trong các hoạt động xã hội, nghề nghiệp, giáo dục, học tập, hành vi hoặc các lĩnh vực quan trọng khác.
Hà Nội: Số ca mắc sởi tăng nhanh, báo động dịch bệnh mùa hè diễn biến phức tạp

Hà Nội: Số ca mắc sởi tăng nhanh, báo động dịch bệnh mùa hè diễn biến phức tạp

(PNTĐ) - Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần từ ngày 20/6 đến 27/6, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều ca mắc mới. Đáng chú ý, dịch sởi ghi nhận mức tăng kỷ lục so với cùng kỳ năm trước, đặt ra thách thức lớn cho công tác phòng chống dịch trong mùa hè.
Bệnh viện Nam Thăng Long triển khai bệnh án điện tử, bước đi quan trọng trong số hóa Y tế

Bệnh viện Nam Thăng Long triển khai bệnh án điện tử, bước đi quan trọng trong số hóa Y tế

(PNTĐ) - Trong bối cảnh ngành y tế Thủ đô đang mạnh mẽ đẩy nhanh tiến trình số hóa và chuyển đổi số, hướng tới mô hình y tế thông minh, Bệnh viện Nam Thăng Long đã đánh dấu một bước tiến quan trọng khi chính thức triển khai bệnh án điện tử (EMR). Đây là bệnh viện công lập thứ 17 của Hà Nội thực hiện chuyển đổi này, khẳng định nỗ lực không ngừng của các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố trong việc hiện đại hóa dịch vụ khám chữa bệnh.