Phát động chương trình tầm soát bệnh tim mạch - thận vì một Việt Nam khoẻ mạnh

ANH HOA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Trong khuôn khổ kỷ niệm Ngày Sức khỏe thế giới, Ngày Thận thế giới tại Hà Nội, sáng 5/4 đã diễn ra lễ phát động chương trình tầm soát bệnh tim mạch - thận.

 

Phát động chương trình tầm soát bệnh tim mạch - thận vì một Việt Nam khoẻ mạnh - ảnh 1
Ngày Sức khỏe thế giới 7/4/2024 với chủ đề “Sức khỏe của tôi - Quyền lợi của tôi”

Sự kiện do Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Bệnh viện Nội tiết Trung ương phối hợp với Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam (dự án CAREME) tổ chức nhằm hưởng ứng Ngày Sức khỏe thế giới 7/4/2024 với chủ đề “Sức khỏe của tôi - Quyền lợi của tôi” và Ngày Thận thế giới, góp phần tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe bệnh nhân trong tình hình mới, trước thực trạng các bệnh không lây nhiễm đang trên đà gia tăng cả về tỉ lệ nhiễm cũng như số ca trở nặng tại Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, TS. Hà Anh Đức - Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam nhấn mạnh: “Hiện nay, quyền về sức khỏe của hàng triệu người đang ngày càng bị đe dọa. Bệnh tật và thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp là nguyên nhân gây tử vong và thương tật. Xung đột đang tàn phá cuộc sống, gây ra chết chóc, đói khát tại nhiều nơi trên thế giới. Biến đổi khí hậu với tình trạng ô nhiễm không khí trung bình cứ 5 giây lại cướp đi một sinh mạng. Và để đối mặt đối với những thách thức này, chủ đề của Ngày Sức khỏe Thế giới năm 2024 là “Sức khỏe của tôi, quyền lợi của tôi”.

Chủ đề năm nay được chọn để nêu bật quyền lợi về sức khỏe, như một quyền lợi cơ bản nhất của con người. Việc tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục thông tin có chất lượng, nước uống an toàn, không khí sạch, dinh dưỡng tốt, nhà ở chất lượng, điều kiện môi trường làm việc tốt cần được công bằng và đầy đủ đối với tất cả mọi người.

Phát động chương trình tầm soát bệnh tim mạch - thận vì một Việt Nam khoẻ mạnh - ảnh 2
Việc chẩn đoán và điều trị sớm bệnh thận mạn sẽ đem đến đến những lợi ích đáng kể và lâu dài về kinh tế đồng thời làm giảm gánh nặng cho ngành y tế

TS. Hà Anh Đức cho biết thêm, trong các bệnh không lây nhiễm, bệnh thận mạn là một bệnh lý tiến triển, có tỷ suất mắc cao, chưa được chẩn đoán kịp thời và quan tâm đúng mức, là một gánh nặng cho bệnh nhân, gia đình và xã hội cũng như cho nền y tế quốc gia.

Tuy nhiên, tỷ lệ bỏ sót chẩn đoán bệnh thận mạn hiện nay còn rất cao, đặc biệt ở giai đoạn sớm do các triệu chứng của bệnh không điển hình, chỉ có khoảng 4,5-15,5% bệnh nhân bệnh thận mạn giai đoạn 3 được chẩn đoán, và vì vậy dẫn đến gánh nặng trong điều trị ở giai đoạn trễ như lọc máu, thay thế thận… càng lớn hơn. Chính vì vậy, bệnh thận mạn cần được chú trọng nhiều hơn, không chỉ từ các cán bộ y tế mà còn cần sự quan tâm chỉ đạo của các cấp quản lý, ngay từ bước tầm soát và chẩn đoán cho bệnh nhân có nguy cơ cao.

Theo tổ chức Y tế thế giới, bệnh thận mạn là một bệnh không lây nhiễm thường gây ra bởi đái tháo đường và tăng huyết áp đồng thời là một vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng. Bệnh thận mạn đã gây ra 4,6% tử vong trên toàn cầu và nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 12 vào năm 2017. Tại Việt Nam, có hơn 8,7 triệu người trưởng thành mắc bệnh thận mạn, chiếm 12,8% dân số. Việt Nam hiện có hơn 400 đơn vị chạy thận nhân tạo và cung cấp dịch vụ lọc máu cho khoảng 30.000 bệnh nhân mắc bệnh thận giai đoạn cuối mỗi năm, tuy nhiên mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu của bệnh nhân cần lọc máu trên cả nước.

Không chỉ thế, chi phí kinh tế y tế liên quan đến điều trị bệnh thận mạn có thể lên đến hàng tỉ đô la Mỹ mỗi năm, chiếm 2,4% - 7,5% chi tiêu y tế hàng năm của quốc gia, trong đó chi phí chi trả cho chạy thận nhân tạo đặc biệt tăng cao. Tại Việt Nam năm 2019, chi phí quản lý bệnh thận mạn cao hơn GDP bình quân đầu người, và chi phí lọc máu cao gấp 4 lần so với chi phí điều trị bệnh thận mạn ở các giai đoạn sớm. Vì vậy, việc chẩn đoán và điều trị sớm bệnh thận mạn, cũng như làm chậm quá trình suy giảm chức năng thận, điều trị thay thế thận sẽ đem đến đến những lợi ích đáng kể và lâu dài về kinh tế đồng thời làm giảm gánh nặng cho ngành y tế.

Phát động chương trình tầm soát bệnh tim mạch - thận vì một Việt Nam khoẻ mạnh - ảnh 3
Chương trình Chăm sóc sức khỏe Tim mạch - Thận - Chuyển hóa “CAREME” nhằm phát hiện bệnh sớm và cải thiện chuẩn chất lượng trong quản lý bệnh, giúp cải thiện kết quả lâm sàng và giảm gánh nặng y tế

Vào ngày 28/1 vừa qua, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam đã ký thỏa thuận triển khai Chương trình Chăm sóc sức khỏe Tim mạch - Thận - Chuyển hóa “CAREME” nhằm mục tiêu củng cố và làm bền vững hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe Tim mạch - Thận - Chuyển hóa thông qua những giải pháp phát hiện bệnh sớm và cải thiện chuẩn chất lượng trong quản lý bệnh, giúp cải thiện kết quả lâm sàng và giảm gánh nặng y tế.

Phát động chương trình tầm soát bệnh tim mạch - thận vì một Việt Nam khoẻ mạnh - ảnh 4
Chương trình tầm soát bệnh tim mạch - thận là chương trình đầu tiên trong chuỗi dự án Careme của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam

Trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã phát động chương trình tầm soát bệnh  tim mạch - thận. Đây là chương trình đầu tiên trong chuỗi dự án Careme của Hội.

Tại sự kiện, dự án hỗ trợ nền tảng sàng lọc và tổ chức khám bệnh, sàng lọc bệnh cho 1.000 người dân có nguy cơ bệnh lý về tim mạch và thận mạn tính và hỗ trợ cài phần mềm chăm sóc sức khỏe, kiểm soát bệnh mạn tính cho hàng trăm người dân. Dự kiến trong năm 2024, hàng trăm nghìn người dân sẽ được sàng lọc qua nền tảng ứng dụng AI và hơn 20.000 người bệnh sẽ được tư vấn thực hiện xét nghiệm eGFR/ACR và đánh giá bệnh thận mạn.

“Các chương trình của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và các đơn vị đối tác sẽ tập trung vào huy động rộng rãi sự tham gia của cộng đồng, các đơn vị chuyên môn và các tổ chức để cùng nâng cao năng lực chẩn đoán, cải thiện chất lượng điều trị, chăm sóc, và quản lý bệnh không lây nhiễm mạn tính thông qua việc triển khai các công cụ kỹ thuật số. Hướng tới một nền y tế bền vững, cùng nhau, chúng ta có thể và sẽ làm nên sự khác biệt, vì Việt Nam và thế giới khỏe mạnh” - Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam khẳng định.

 

Tin cùng chuyên mục

Cảnh báo suy hô hấp do mắc sởi

Cảnh báo suy hô hấp do mắc sởi

(PNTĐ) - Bệnh nhân nam, N. V. T,  56 tuổi ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh nhập khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng khó thở, sốt cao, phát ban ở vùng đầu, mặt và cổ sau chuyển biến suy hô hấp cấp.
“Rửa tay với xà phòng - Tại sao lại quan trọng”

“Rửa tay với xà phòng - Tại sao lại quan trọng”

(PNTĐ) - Ngày 15/10 vừa qua, Bộ Y tế đã phối hợp với UBND TP. Đà Nẵng, Hội LHPN Việt Nam và Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam tổ chức mít tinh hưởng ứng ngày Thế giới rửa tay với xà phòng tại TP. Đà Nẵng với chủ đề “Rửa tay với xà phòng - Tại sao lại quan trọng”.
Cục Dân số phát động Cuộc thi sáng tác logo ngành Dân số

Cục Dân số phát động Cuộc thi sáng tác logo ngành Dân số

(PNTĐ) - Theo Cục Dân số, Cuộc thi sáng tác logo ngành Dân số nhằm chọn 1 logo ngành Dân số phù hợp với định hướng chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, thể hiện nét đặc trưng, tính khái quát cao về ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của công tác dân số đối với mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng và đối với phát triển bền vững của đất nước.
Better Choice Awards 2024: FPT Long Châu thắng giải “Ứng dụng đột phá cho nhu cầu sức khỏe”

Better Choice Awards 2024: FPT Long Châu thắng giải “Ứng dụng đột phá cho nhu cầu sức khỏe”

(PNTĐ) - Bằng việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), Ứng dụng Khách hàng Long Châu đã vinh dự nhận giải “Ứng dụng đột phá cho nhu cầu sức khỏe”, trong Gala Better Choice Awards năm 2024, diễn ra tại Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia cơ sở Hòa Lạc (NIC) vào tối 2/10/2024.