Chi bộ Ban Tuyên giáo - Gia đình xã hội sinh hoạt truyền thống tại Nhà lưu niệm Bác Hồ
(PNTĐ) - Sáng 15/5, tại Nhà lưu niệm Bác Hồ (Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội) - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), Chi bộ Ban Tuyên giáo - Gia đình xã hội Hội LHPN Hà Nội đã tổ chức chương trình sinh hoạt truyền thống.
Đến thăm "địa chỉ đỏ" - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, các thành viên trong đoàn đã xúc động được ôn lại truyền thống lịch sử cách mạng của dân tộc.

Đây vốn là ngôi nhà của gia đình cụ Nguyễn Văn Dương được Trung ương Đảng, Chính phủ chọn làm nơi ở và làm việc cho Bác từ ngày 3/12/1946 đến ngày 19/12/1946. Nhà cụ Dương có xưởng dệt lụa lớn, thường xuyên có khách đến giao thương, cho nên che mắt được bọn mật thám. Bản thân cụ Dương cũng thường xuyên tham gia rất nhiều công việc để phục vụ cách mạng. Bác dừng chân tại đây đến ngày 19/12/1946 thì dời đi.
Trong các ngày 18 và 19/12, Bác đã chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng mở rộng, quyết định phát động cuộc kháng chiến trên phạm vi cả nước, vạch ra đường lối cơ bản của cuộc kháng chiến và ra “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến”.

Sau gần 80 năm, ngôi nhà cụ Nguyễn Văn Dương vẫn được nhân dân Thủ đô gìn giữ. Ngôi nhà có 3 gian, 2 tầng. Bên phải và bên trái ngôi nhà chính là hai dãy nhà ngang, mỗi dãy 3 gian, trước đây đặt khung cửi, đồ dùng của gia đình, nay được sửa chữa, nâng cấp trần và nền. Trong đó, dãy nhà bên phải là phòng khách thường xuyên đón tiếp nhân dân, khách trong nước và quốc tế tới thăm; dãy nhà bên trái là phòng trưng bày truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Vạn Phúc. Quang cảnh trên tầng 2 thật đơn sơ, giản dị đã gắn liền với hình ảnh, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ bàn làm việc, giường ngủ, gối gỗ, đèn dầu… mà Bác sử dụng vẫn được lưu giữ vẹn nguyên.

Di tích về Bác nằm ở trung tâm làng lụa Vạn Phúc chỉ cách trung tâm thành phố khoảng 10 km đã trở thành một địa chỉ du lịch về nguồn hấp dẫn, đồng thời được nhiều người kết hợp trong hành trình khám phá làng lụa nghìn năm và tìm hiểu về cuộc đời hoạt động của Bác. Theo đồng chí Hoàng Thu Hồng, Bí thư Chi bộ Ban Tuyên giáo - Gia đình xã hội, buổi lễ dâng hương, giáo dục truyền thống là dịp để các đảng viên chi bộ ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, đây cũng là lời nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân cần tiếp tục phấn đấu, rèn luyện để xứng đáng với niềm tin của Bác.