Quan tâm, xây dựng đội ngũ cán bộ Hội đáp ứng yêu cầu của tình hình mới
(PNTĐ) - Ngày 14/5, Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết Đề án Bồi dưỡng cán bộ, công chức Hội LHPN các cấp và chi hội trưởng phụ nữ, giai đoạn 2019-2025. Ủy viên BCH TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến dự và chủ trì hội nghị
Sau 7 năm triển khai, Đề án 1893 đã cơ bản hoàn thành 4 nhiệm vụ chính và đảm bảo các mục tiêu cụ thể theo Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Các hoạt động của Đề án đạt được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội các cấp, nhất là năng lực quản lý, điều hành, triển khai các hoạt động Hội, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các hoạt động Hội. Hoạt động bồi dưỡng được triển khai đồng bộ, bài bản, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn địa phương. Hình thức tổ chức linh hoạt (trực tiếp, trực tuyến, kết hợp), tăng khả năng tiếp cận của cán bộ Hội. Việc huy động nguồn lực được đẩy mạnh đảm bảo kinh phí ổn định đóng vai trò quan trọng và bền vững của chương trình bồi dưỡng cán bộ, công chức Hội.

Hiệu quả của công tác bồi dưỡng được khảo sát, đánh giá cụ thể, có 80% cán bộ Hội sau đào tạo cho biết đã áp dụng kiến thức vào thực tiễn công tác; khoảng 70% địa phương triển khai tốt mô hình đào tạo kết hợp; 60% nội dung bồi dưỡng đã được cập nhật phù hợp. Đề án đã góp phần hoàn thiện chuẩn hóa về nghiệp vụ chuyên môn đối với các chức danh lãnh đạo chủ chốt và cán bộ, công chức trong hệ thống Hội. Có được kết quả trên là thể hiện vai trò chủ động trong tham mưu, phối hợp của các cấp Hội cho công tác bồi dưỡng cán bộ Hội tại các địa phương, sự quan tâm đặc biệt và vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể đặc biệt, nhất là quyết tâm của Hội LHPN của 22 tỉnh khó khăn.
Tính đến tháng 4/2025 với kết quả trên 727.501 lượt học viên được tham gia các lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức và 7.534 học viêntham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác 1 tháng, Đề án đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu cụ thể theo giai đoạn đến năm 2025.
Đề án còn hoàn thiện Hệ thống tài liệu, chương trình được cập nhật theo hướng thực tiễn, linh hoạt với hơn 60% nội dung được đổi mới, hơn 80 chuyên đề trực tuyến được bổ sung và phát hành rộng rãi; Ứng dụng công nghệ thông tin được triển khai đồng bộ tại 70% tỉnh/thành, kết hợp hình thức đào tạo trực tiếp - trực tuyến và nền tảng học liệu điện tử giúp mở rộng đối tượng tiếp cận; Nhiều mô hình bồi dưỡng linh hoạt, hiệu quả đã được xây dựng, thử nghiệm và nhân rộng, đặc biệt trên môi trường số, tạo điều kiện tiếp cận đa dạng cho đội ngũ cán bộ Hội...
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Ủy viên BCH TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến bày tỏ sự đồng tình với Báo cáo kết quả triển khai, thực hiện đề án Bồi dưỡng cán bộ, công chức Hội LHPN các cấp và chi hội trưởng phụ nữ, giai đoạn 2019-2025. Quá trình 7 năm triển khai thực hiện Đề án, cùng với sự quan tâm định hướng của cấp ủy và sự nỗ lực, cố gắng của các cấp Hội, Hội LHPN trên cả nước đã triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ của Đề án.

Tại hội nghị, thay mặt Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam, Chủ tịch Nguyễn Thị Tuyến đánh giá cao, biểu dương, ghi nhận những nỗ lực và kết quả đạt được của các cấp Hội trong việc triển khai thực hiện Đề án; ghi nhận, đánh giá cao sự chủ động tham mưu tích cực của các cơ quan giúp việc thực hiện Đề án, nhất là Ban Tổ chức - Kiểm tra Trung ương Hội và Học viện Phụ nữ Việt Nam trong thời gian qua.
Trong bối cảnh sắp xếp bộ máy toàn hệ thống chính trị, cùng với việc chuyển đổi số mạnh mẽ, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến cho rằng để chuẩn bị các điều kiện cần thiết, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, hơn bao giờ hết, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội các cấp cần tiếp tục quan tâm, tăng cường để xây dựng đội ngũ cán bộ Hội đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Chủ tịch Nguyễn Thị Tuyến đề nghị Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét tiếp tục phê duyệt Đề án bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ MTTQ, các đoàn thể trong đó có cán bộ nữ, cán bộ Hội LHPN Việt Nam giai đoạn 2026-2031, trên cơ sở kế thừa những kết quả đã đạt được và mở rộng đối tượng, nội dung, phương thức phù hợp với bối cảnh mới.
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến cũng đề nghị Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ nghiên cứu, ban hành định mức kinh tế kỹ thuật cho hoạt động bồi dưỡng cán bộ Hội nhằm tạo cơ sở pháp lý, thuận lợi trong việc lập dự toán, phân bổ và quyết toán kinh phí. Nghiên cứu có cơ chế, chính sách phù hợp cho cán bộ khi tham gia các khoá tập huấn, bồi dưỡng để động viên cán bộ khối đoàn thể nói chung, cán bộ nữ, cán bộ Hội nói riêng, đặc biệt chính sách cho đội ngũ cán bộ với vai trò kép là cán bộ nữ và cán bộ Hội.
Đồng thời Chủ tịch Hội mong muốn lãnh đạo các địa phương tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện về kinh phí, nguồn lực cho hoạt động bồi dưỡng cán bộ nữ, cán bộ Hội các cấp nhằm tạo động lực cho phong trào Hội tại các địa phương; tạo điều kiện cử cán bộ Hội chuyên trách các cấp, Phó Chủ tịch Hội LHPN cấp cơ sở, Chi hội trưởng phụ nữ tham gia bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp và kinh nghiệm về công tác Hội, công tác xã hội, công tác phụ nữ và bình đẳng giới, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả, quan tâm đến đội ngũ cán bộ, công chức nữ, Chủ tịch Hội phụ nữ cơ sở trong quá trình sáp nhập, tinh gọn...Các cấp Hội cần tiếp tục phát huy thành tích đã đạt được, chủ động xây dựng kế hoạch bồi dưỡng theo giai đoạn, lộ trình, gắn với yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy và chuyển đổi số trong hệ thống Hội.
Trong khuôn khổ chương trình, Hội LHPN Việt Nam đã biểu dương, khen thưởng cho 19 tập thể, 20 cá nhân tiêu biểu, có đóng góp tích cực trong việc triển khai thực hiện Đề án 1893 giai đoạn 2019-2025.