Nhà có hai con gái

Thái Anh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày đó, khi sinh ra chị Bơ là con gái, mẹ đã thầm nghĩ: “Không sao, vẫn còn... 1 suất sinh nữa”. Nhưng đến khi có thêm em Bắp cũng là... con gái, thì mẹ từng cảm thấy hụt hẫng trong lòng.

Là bởi, bố là con trai một của ông bà nội. Mẹ rất muốn sinh được con trai để sau này gánh vác việc họ, rồi còn thờ cúng tổ tiên. Mẹ thấy mình như chưa hoàn thành trách nhiệm với ông bà và với bố khi không sinh được con trai.

Rồi mẹ nghe ngóng, liệu ông bà có mong muốn mẹ sinh thêm bé thứ 3 không? Mẹ cũng sợ những lời nói đùa mà như thật của mọi người xung quanh, kiểu như: “Nhà này đi dép cả đôi”, “Mẹ vợ toàn tập”, “Nhà sinh toàn còn gái thì việc gì phải dành dụm, tiết kiệm làm gì cho khổ”...

Nhưng rồi, theo tháng năm, hai con gái của mẹ lớn dần lên, đều xinh xắn, đáng yêu. Mẹ bắt đầu chăm chỉ làm đỏm cho hai đứa, nào thì váy áo, cặp, nơ... Bố cũng bị cuốn vào vòng xoáy, thi thoảng lại tha về nhà nào thì gấu bông, búp bê, bộ đồ hàng... Ông bà nội bảo: Hai đứa nhiều đồ lắm rồi, các con đừng mua thêm nữa cho tốn tiền. Ấy thế nhưng, chỉ cần cháu gái chạy ra ôm lấy ông bà và nũng nịu đòi quà, là trái tim ông bà cũng tan chảy...

Nhà có hai con gái - ảnh 1
Ảnh minh họa

Từ ngày có hai cháu gái, phong trào ca múa nhạc của gia đình mình “xôm” hẳn lên. Cứ cuối tuần, mọi người lại được xem các cháu hát, biểu diễn thời trang... miễn phí. Chị Bơ người hơi cứng, nhưng hát hay. Còn em Bắp thì thể hiện rõ năng khiếu nghệ thuật, “nhạc nào cũng nhảy”. Ông bà đã rất hãnh diện mỗi lần dẫn các cháu gái ra ngoài chơi, ai cũng xuýt xoa khen ông bà có “hai công chúa”.

Khi Bơ vào lớp 1, thì mẹ chuyển cơ quan đến một nơi xa nhà hơn, công việc cũng bận rộn. Vì vậy, buổi tối mẹ chỉ thích nằm dài trên giường nghỉ ngơi. Bé Bắp thì vẫn muốn chơi, nên cứ mè nheo đòi mẹ. Mẹ nhớ lần đó, Bơ vừa nghiêm nghị, vừa khéo léo dỗ em: “Từ nay chị đọc truyện cho nghe, mẹ đang mệt nên phải nghỉ ngơi. Bơ để cho mẹ nghỉ nhé”.

Rồi Bắp mang cuốn sách giáo khoa ra... đọc cho em Bơ nghe thật. Mẹ nằm bên cạnh mà buồn cười vì Bơ còn chưa đọc thông viết thạo, thế mà Bơ vẫn cầm sách, rồi chăm chú đọc, còn kể được cả một câu chuyện dài... như thật. Còn bé Bắp thì ngoan ngoãn ngồi nghe chị kể chuyện, không hay rằng đó chỉ là chuyện chỉ tưởng tượng ra trong đầu. Nhưng, tự nhiên, mẹ trào nước mắt. Bé Bơ của mẹ đã lớn và hiểu chuyện rồi.

Rồi đó còn là những lần trở trời, bố than người nhức mỏi. Chẳng cần nhờ một câu, hai cô con gái đã thay nhau bóp tay, bóp vai cho bố. Bé Bơ vừa làm, còn vừa hỏi bố đã đỡ đau người chưa, bố có cần con làm gì cho bố không.

Chị Bắp còn biết xuống phòng ông bà mượn lọ dầu cao để xoa cho bố vì Bắp bảo: “Mỗi lần con đau bụng, ông bà bôi dầu cho con là khỏi ngay. Bố nằm im, con bôi dầu cho bố chóng khỏe”. Mà thật là tài tình, chỉ mấy phút được các con gái chăm sóc, bố đã cảm thấy hết cả đau nhức người.

Rồi đến lượt Bơ cũng vào tiểu học. Bố mẹ thì vẫn bận rộn, chẳng có nhiều thời gian để kèm cặp Bơ. Thế là chị Bắp thay mẹ, tối nào cũng nhắc em học bài, còn giúp mẹ kiểm tra sách vở cho em. Góc học tập của hai con gái lúc nào cũng gọn gàng, ngăn nắp, vở sạch chữ đẹp. Cuối năm đi học cha mẹ học sinh, mẹ rất vui vì hai con gái đều được cô giáo khen là chăm ngoan, nền nếp.

Bây giờ, thi thoảng nghĩ lại, mẹ tự xấu hổ khi đã có lúc... mẹ thoáng buồn khi không sinh được con trai. Thật may là mẹ không bị sự bất bình đẳng giới đó chi phối, để rồi sao nhãng việc chăm nuôi hai con, rồi lại lao vào cuộc chiến đẻ cho tới khi nào ra con trai mới thôi. Mẹ thấy rằng, những đứa trẻ được sinh ra, dù là trai hay gái thì cũng đều cần được yêu thương và đối xử công bằng. Con trai, con gái đều sẽ đem lại niềm vui và là tương lai của cả gia đình.

Mẹ cũng cảm ơn cả ông bà và bố của Bắp, Bơ khi chưa từng tỏ ra chạnh lòng, hay là bóng gió muốn có thêm cháu trai. Và cảm ơn hai con gái, đã giúp cho mẹ trưởng thành hơn trên hành trình làm mẹ.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Những kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em mà cha mẹ cần dạy cho con

Những kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em mà cha mẹ cần dạy cho con

(PNTĐ) - Dạy trẻ kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em là việc mà bất cứ bậc phụ huynh nào cũng nên thực hiện càng sớm càng tốt để đảm bảo an toàn cho trẻ. Rất nhiều vụ việc cáo buộc xâm hại trẻ em đã xảy ra có lẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho rất nhiều bố mẹ và toàn thể xã hội về vấn nạn này.
Chị chồng ở nhà bên

Chị chồng ở nhà bên

(PNTĐ) - Căn hộ nhà chị Huyền ngay sát vách, mẹ chồng bảo: "Vợ chồng trẻ ở gần chị gái, tiện nhờ cậy nhau". Lúc đó, Linh thấy hợp lý, nhưng sống gần nhau rồi cô mới thấy nhiều điều phức tạp.
Giải mã “cơn sóng ngầm” tội phạm trẻ

Giải mã “cơn sóng ngầm” tội phạm trẻ

(PNTĐ) - Gần đây, không ít gia đình phải đối diện với “cơn sóng ngầm” đầy thách thức: Tình trạng trẻ em phạm tội ngày càng trẻ hóa và diễn biến phức tạp, gióng lên hồi chuông cảnh báo về những vết rạn trong mối quan hệ gia đình, đặt ra bài toán cấp thiết về trách nhiệm định hướng, chở che con trẻ trước những vấp ngã nhỏ có nguy cơ trở thành những hệ lụy khôn lường.
Con cái là khoản đầu tư “lỗ” của cha mẹ

Con cái là khoản đầu tư “lỗ” của cha mẹ

(PNTĐ) - Diễn đàn “Trẻ cậy cha, già cậy ai?” nhận được nhiều ý kiến trái chiều cho rằng, trong xã hội hiện đại, cả cha mẹ và con cái nên thay đổi quan niệm cha mẹ về già phải cậy con, mà hãy nên chủ động tương lai, chuẩn bị cuộc sống tự do, tự tại, dành một khoản tiền để dưỡng già, bởi con cái cũng phải lo tương lai của chúng.
Mẹ hãy ly hôn đi

Mẹ hãy ly hôn đi

(PNTĐ) - “Bà dạy con cái kiểu gì vậy. Con cái nhà người ta thì mong cho bố mẹ sống đầu bạc răng long với nhau, còn con của bà thì lại suốt ngày xúi bẩy bố mẹ ly hôn. Nhà này vô phúc quá rồi…”.