Hà Nội phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao:

Đưa Thủ đô phát triển xứng tầm

HẠ THI
Chia sẻ

(PNTĐ) - Triển khai Luật Thủ đô năm 2024, TP Hà Nội đã kịp thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách, trong đó có chính sách liên quan đến phát triển nguồn nhân lực, đào tạo đào nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển Thủ đô xứng tầm.

Ban hành nhiều chính sách phát triển nguồn nhân lực

Tại buổi làm việc giữa Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với UBND thành phố Hà Nội về thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao diễn ra vào tháng 4/2025, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, bên cạnh thúc đẩy phát triển kinh tế, Hà Nội rất quan tâm công tác phát triển nguồn nhân lực, coi đó là động lực quan trọng để phát triển.

Đặc biệt, Hà Nội đã quan tâm ban hành các cơ chế, chính sách để phát triển, thu hút, đãi ngộ nhân tài. Mới đây, HĐND Thành phố đã ban hành các nghị quyết về chế độ đãi ngộ với các vận động viên thành tích cao, học sinh giỏi đoạt giải quốc tế với mức thưởng cao...

Đưa Thủ đô phát triển xứng tầm - ảnh 1

Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại buổi làm việc của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với UBND thành phố Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Để triển khai Luật Thủ đô năm 2024, HĐND thành phố Hà Nội đã kịp thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách, trong đó có chính sách liên quan đến phát triển nguồn nhân lực. Hiện nay, UBND Thành phố tiếp tục triển khai xây dựng các nghị quyết để thông qua tại kỳ họp thường lệ giữa năm 2025.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, những năm qua, thành phố rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực. Đặc biệt, năm 2024, Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó Điều 16 đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc và phân cấp cho thành phố quyết định những chính sách đặc thù vượt trội để thu hút, trọng dụng người có tài năng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô trong giai đoạn mới.

Hiện nay, tỷ lệ chi ngân sách thành phố cho giáo dục, đào tạo và dạy nghề không ngừng gia tăng giá trị tuyệt đối. Cụ thể, năm 2024, tổng chi cho giáo dục nghề nghiệp của Thành phố tăng gần 240% so với năm 2021; chi đầu tư phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo tăng trên 20% so với năm 2021...

Đưa Thủ đô phát triển xứng tầm - ảnh 2

Quang cảnh buổi làm việc của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với UBND thành phố Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó, Thành phố xác định 6 đối tượng nhân tài (thủ khoa xuất sắc; tiến sĩ có công trình khoa học đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô; bác sĩ, giáo viên, giảng viên, chuyên gia giỏi; vận động viên; văn nghệ sĩ...) để thu hút thông qua hỗ trợ kinh phí, đãi ngộ đặc biệt và tạo điều kiện thuận lợi tham gia các dự án trọng điểm.

Hằng năm, Thành phố đều tổ chức lễ vinh danh, tôn vinh các Thủ khoa tốt nghiệp các trường Đại học, Học viện trên địa bàn Hà Nội. Điều này đã thể hiện sự trọng dụng, đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc tại Thành phố. Thực tiễn chứng minh, hiện nay, nhiều Thủ khoa được Hà Nội tôn vinh đã và đang nắm giữ nhiều vị trí chủ chốt, quan trọng trong các cơ quan đơn vị của thành phố.

 
Đưa Thủ đô phát triển xứng tầm - ảnh 3Đưa Thủ đô phát triển xứng tầm - ảnh 4Đưa Thủ đô phát triển xứng tầm - ảnh 5

Dẫn đầu về quy mô đào tạo

Hiện nay, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về quy mô mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp (313 cơ sở), số lượng tuyển sinh và tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề có xu hướng tăng. Giai đoạn 2021-2023, các cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố tuyển sinh 720.493 người; năm 2024, tuyển sinh 251.368 người, đạt 107% so với kế hoạch.

Hà Nội đã hình thành một số trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao, như: Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao, Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc; đa dạng hóa loại hình đào tạo, chú trọng mô hình liên kết 3 nhà (nhà trường - doanh nghiệp - Nhà nước).

Đưa Thủ đô phát triển xứng tầm - ảnh 6

: Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà và Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương trao khen thưởng học sinh giỏi năm học 2023-2024.

Việc đào tạo được định hướng nghề nghiệp từ sớm. Hàng năm, Thành phố tổ chức các Ngày hội nghề nghiệp, các phiên giao dịch việc làm để kết nối giữa các đơn vị đào tạo và doanh nghiệp. Gần nhất, ngày 11/5/2025, Thành phố đã tổ chức Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2025. Ngày hội nhằm mục đích nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò, vị thế của giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp học nghề cho học sinh tốt nghiệp THCS, THPT; hướng tới mục tiêu chung đó là nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô trong thời kỳ hội nhập quốc tế, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số hiện nay.

Năm 2025 là năm thứ 6 Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động được tổ chức. Theo đánh giá, quy mô và hiệu quả gắn kết của ngày hội tăng trưởng đều qua từng năm. Nếu như năm 2019, với chỉ khoảng gần 5.000 người tham gia ngày hội thì năm 2025, Ngày hội đã thu hút và quy tụ khoảng 10.000 người, trong đó, khoảng 8.000 học sinh cuối cấp của gần 160 trường THCS, THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn Thành phố tham gia hoạt động tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và khoảng 2.000 học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và người lao động trên địa bàn Thành phố tham gia tư vấn, tuyển dụng tại Phiên giao dịch việc làm.

Về gắn kết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, nếu trong năm 2019-2020, mỗi năm các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn hợp tác với khoảng từ 300 - 400 doanh nghiệp thì nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã hợp tác, kết nối với gần 1.000 doanh nghiệp trong việc tuyển sinh, đặt hàng đào tạo và hỗ trợ trang thiết bị, nguyên vật liệu, kinh phí cho các cơ sở trong quá trình đào tạo; hỗ trợ, tham gia xây dựng, chỉnh sửa chương trình, giáo trình ở các trình độ đào tạo…

Đưa Thủ đô phát triển xứng tầm - ảnh 7
: Học sinh hào hứng tham gia trải nghiệm tại Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2025.

Tỷ lệ học sinh, sinh viên, học viên có việc làm sau tốt nghiệp luôn đạt từ 70-80% trở lên; nhiều em chưa tốt nghiệp ra trường đã có việc làm; nhiều ngành nghề khi học sinh, sinh viên ra trường được doanh nghiệp tuyển dụng 100%, như: nghề kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí; nghề công nghệ kỹ thuật điện, điện tử; công nghệ tự động hóa..

 Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết: Ngày hội gắn kết GDNN Thủ đô với thị trường lao động năm 2025 được tổ chức với mục tiêu tạo cầu nối hiệu quả giữa các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động; đẩy mạnh tuyên truyền tới học sinh về định hướng nghề nghiệp, tiếp cận cơ hội học tập và việc làm phù hợp. Sự kiện là cơ hội để các em trải nghiệm thực tế, khám phá các ngành nghề, đồng thời để các DN tìm kiếm nguồn nhân sự có chất lượng, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Đưa Thủ đô phát triển xứng tầm - ảnh 8

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương và các đại biểu tham gia các gian hàng trưng bày tại Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2025.

Hà Nội hiện đang tiếp tục dẫn đầu cả nước trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia. Tại kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông năm học 2024-2025 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, Thành phố có 260 học sinh tham dự thì có 200 học sinh đoạt giải. Trong đó có 18 giải Nhất, 60 giải Nhì, 65 giải Ba và 57 giải Khuyến khích.

Mở rộng các cơ sở giáo dục chất lượng cao

Đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao, Hà Nội coi đây là trách nhiệm của Thủ đô phải đảm nhận, để góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tương lai, không chỉ cho Thủ đô mà còn cho cả nước.

Hiện, Hà Nội có 23 trường chất lượng cao; trong đó, bậc mầm non và tiểu học nhiều nhất, lần lượt với 7 và 6 trường, hệ THCS có 5, còn lại 2-3 trường.

Theo Luật Thủ đô, Hà Nội có thể xây dựng trường chất lượng cao với các tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy và dịch vụ giáo dục. Mức trần học phí với trường công chất lượng cao hiện là 5,1-6,1 triệu đồng một tháng, mức cụ thể do HĐND quận, huyện quyết định. Trong khi, học phí trường công bình thường từ 19.000 đến 217.000 đồng.

Đưa Thủ đô phát triển xứng tầm - ảnh 9
Khảo sát cơ sở vật chất tại Trường Tiểu học Tràng An, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Tuấn Việt 

Ngoài ra, trường THCS chất lượng cao được tuyển trái tuyến. Nếu số học sinh đăng ký vượt quá chỉ tiêu, trường có thể xét tuyển bằng học bạ, các giải thưởng hoặc kết hợp với thi.

Tại buổi giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hà Nội với UBND quận Hoàn Kiếm về việc thực hiện mô hình giáo dục chất lượng cao vào tháng 3/2025, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tràng An Trần Thị Bích Liên cho biết, tháng 8/2020, trường được phê duyệt đề án trường chất lượng cao; đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; đạt kiểm định chất lượng mức độ 3. Nhà trường được UBND Quận cải tạo, xây mới, đầu tư cơ sở vật chất khang trang, hiện đại với tổng diện tích 7.498,6m2 và đưa vào sử dụng từ giữa tháng 7/2020. Nhà trường đã thực hiện việc duy trì, phát triển thành công mô hình chất lượng cao, qua đó đã hiện thực hóa chủ trương xây dựng và phát triển mô hình trường chất lượng cao về giáo dục và đào tạo đi vào cuộc sống.

Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thanh Bình ghi nhận quận Hoàn Kiếm đã có những cố gắng trong triển khai mô hình giáo dục chất lượng cao, từ cơ sở vật chất đến đội ngũ giáo viên, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục của quận. Hà Nội đang thực hiện Luật Thủ đô 2024, nên việc áp dụng mô hình giáo dục công lập chất lượng cao càng cần thiết.

 Hiện nay, thành phố Hà Nội đang đầu tư các trường công lập đại trà đạt chuẩn quốc gia, thậm chí nhiều trường đã xây dựng mới còn khang trang hơn so với cơ sở vật chất trường chất lượng cao hiện tại.

 

Tin cùng chuyên mục

Giữ lửa theo gương Bác: Dấu ấn 10 năm thực hiện Chỉ thị 05 tại Phú Thượng

Giữ lửa theo gương Bác: Dấu ấn 10 năm thực hiện Chỉ thị 05 tại Phú Thượng

(PNTĐ) - Trong không khí tháng 5 lịch sử, Đảng bộ phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) long trọng tổ chức Lễ trao tặng Huy hiệu Đảng cho hơn 30 đảng viên lão thành - những người đã dành trọn cuộc đời cống hiến cho lý tưởng của Đảng. Sự kiện không chỉ là lời tri ân sâu sắc đối với các thế hệ đi trước, mà còn là dấu ấn ghi nhận chặng đường 10 năm đầy nỗ lực của Đảng bộ trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Giáo dục lịch sử văn hóa Thăng Long-Hà Nội: Góc nhìn từ Hoàng Thành - Thăng Long

Giáo dục lịch sử văn hóa Thăng Long-Hà Nội: Góc nhìn từ Hoàng Thành - Thăng Long

(PNTĐ) - Nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục lịch sử địa phương đối với thế hệ trẻ, thời gian qua, ngành giáo dục Hà Nội đã tăng cường công tác giáo dục lịch sử địa phương tại các trường học. Qua những giờ học lịch sử địa phương, các em học sinh các cấp đã có thêm những trải nghiệm hết sức ý nghĩa, giúp các em hiểu hơn về lịch sử Thăng Long - Hà Nội. Từ đó, các em biết trân trọng, giữ gìn, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của quê hương.
Công an Hà Nội đình chỉ 2 cán bộ có dấu hiệu sai phạm

Công an Hà Nội đình chỉ 2 cán bộ có dấu hiệu sai phạm

(PNTĐ) - Ngày 13/5, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đã ký Quyết định tạm đình chỉ công tác đối với đồng chí Nguyễn Bình An, cán bộ Công an xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì để xác minh, làm rõ trách nhiệm trong vụ va chạm giao thông giữa 1 xe ô tô với 6 xe máy xảy ra tại xã Thanh Liệt, Thanh Trì vào ngày 9/5/2025.