Một ngày hai lần làm giỗ cha...
(PNTĐ) - Cứ đến ngày giỗ ông Thành là đám con cháu, họ hàng thân tộc nhà ông lại nhộn nhịp vào ra ăn cỗ hết nhà con trai trưởng đến nhà con trai thứ. Cỗ nhà nào cũng to, khách mời không kém nhau một người. Ai ăn cỗ nhà anh con trưởng mà không vào ăn cỗ ở nhà con trai thứ hoặc ngược lại thì thế nào ngày mai cũng… to chuyện.
Chuyện người đi ăn cỗ hiếu
Vừa ra khỏi ngõ, thoáng thấy anh Quảng (con trai thứ của ông Thành), ông Mạnh giật mình quay lại định làm ngơ rẽ vào ngõ bên cạnh nhằm tránh mặt thì ngay lập tức nghe thấy tiếng mỉa mai sau lưng.
- Ái chà, bác Mạnh. Bác ăn ở như thế là thiên vị rồi, sao bác không vào ăn cỗ nhà cháu chứ?
- Chú thông cảm, hôm qua bà nhà tôi ốm. Chuẩn bị lễ để đi ăn cỗ cả hai nhà rồi nhưng mà vừa ăn xong cỗ bên nhà anh cả Tuấn thì thằng cháu đến gọi về bảo đưa bà ấy đi viện gấp. Thế là... lỡ cỗ bên nhà chú. Thôi thì năm sau tôi đến, năm nay chú thông cảm nhá.
- Bác đừng có biện minh, hôm qua bác gái có đi viện đâu. Vợ tôi nói thấy bác không sang ăn cỗ nên mang biếu bác đĩa xôi vẫn thấy bác gái nằm nhà đấy thôi.
- Ớ... lúc đó chắc bà ấy...
- Thôi, bác khỏi nói nữa, tôi biết nhà bác ăn ở thế nào rồi. Bên khinh bên trọng thế là không được. Sau này có gì bác đừng có trách.

Chẳng để ông Mạnh kịp nói lời nào, anh Quảng hầm hầm bước đi. Ông Mạnh lắc đầu ngán ngẩm. Thế nào nó cũng mặt nặng mày nhẹ với ông bà cả năm cho xem. Khổ, sao cái nhà ông Thành này chết đi rồi còn để lại cái nợ phiền phức này cho họ hàng lẫn hàng xóm láng giềng. Một cái giỗ cha nhưng cả hai anh em cúng ở hai nhà, khách mời y xì nhau.
Ông Mạnh không phải là người duy nhất bị trách sau đám giỗ. Không ít người "khó ăn khó nói" với một trong hai anh con trai của ông Thành nếu chỉ vào một nhà ăn cỗ. Khổ một nỗi là có muốn trốn tránh cũng không được. Ngày trước ai cũng ngạc nhiên là vào một nhà ăn cỗ kín đáo thế mà sao ngay hôm sau nhà kia đã mặt nặng mày nhẹ bảo bên khinh bên trọng. Sau này, những người đi ăn giỗ ông Thành mới phát hiện ra nguyên nhân họ không thể nào "trốn" được. Hóa ra do cổng vào hai nhà sát cạnh nhau lại có hai thằng bé được phân công ngồi "canh cổng đếm khách", hễ cứ thấy nhà nào đi ăn cỗ chỉ vào có một nơi thì báo cáo lại với bố mẹ.
Thế là cứ đến ngày giỗ của ông Thành, những nhà nào được mời đều phải cắt cử nhau đi cả hai nhà cho công bằng, dù có bận đi chăng nữa. Nhiều người than thở không biết nỗi thống khổ này còn đeo bám họ đến bao giờ.
Nguy cơ sau này bà Mận (vợ ông Thành) mất đi họ phải thêm một lần khó xử nữa. Vì cứ theo đà này thì không chỉ giỗ cha hai anh em cùng làm riêng mà đến giỗ mẹ chắc cũng không thể làm chung một nhà được.
Chỉ vì miếng đất mặt đường
Ngọn ngành nỗi khổ khó nói của anh em thân tộc nhà ông Thành đều xuất phát từ miếng đất mặt tiền mà anh con cả đang làm chủ sở hữu. Dù bà Mận vẫn còn sống nhưng bất lực trước hai đứa con trai ngang ngược, xem đất cát cao hơn tình anh em.
Ngày trước, khi hai đứa con trai lấy vợ, ông bà chia đôi mảnh đất rồi cho các con ở riêng liền nhau. Ranh giới không có, chỉ lấy bờ chỉ của cái sân gạch tượng trưng cho sự phân chia. Nhà nào làm nhà nấy ăn, bố mẹ con cái, anh em sống hòa thuận sum vầy bên nhau.

Mọi sự bắt đầu khi một con đường bỗng nhiên được mở chạy dọc bên sườn mảnh đất anh con cả đang ở. Chiều dài mảnh đất gần 20m ra mặt đường toàn bộ. Người ta định giá gần 30 triệu một mét vuông, đó là chưa nói cứ khai thác cái mặt tiền ấy làm cửa hàng cho thuê mỗi tháng cũng kiếm khối tiền.
Nhìn thấy cái lợi, anh con cả đánh tiếng bố mẹ sang tên chuyển nhượng để vợ chồng anh làm sổ đỏ. Nghĩ xưa nay, các con ở đâu thì bây giờ phận của chúng sẽ ở đấy, ông Thành làm giấy tờ hợp thức hóa hai mảnh đất cho các con. Không ngờ anh Quảng phản đối, bảo ngày xưa đất chưa ra mặt đường bố mẹ chia thế nào cũng được. Giờ đất ra mặt đường rồi chia thế vợ chồng anh ta sẽ thiệt thòi nhiều.
Theo yêu cầu của anh Quảng thì ông Thành phải cắt đôi đất chia theo mặt đường mới đúng. Làm như thế, nhà nào cũng có mặt tiền ở mặt đường. Anh cả Tuấn nhất định không chịu. Đêm ngày, anh ngọt nhạt với bố mẹ phận mình là trưởng, có được hơn một chút cũng là lẽ thường tình. Lợi dụng lúc ông Thành đau ốm, anh cả Tuấn đã "giúp" cha điểm chỉ vào giấy tờ viết sẵn.
Thế là pháp luật cứ theo đó thi hành, vợ chồng anh Quảng không ngớt lời mắng nhiếc anh cả tham lam. Lời ra tiếng vào, anh em không ít lần sứt đầu mẻ trán. Ông Thành bệnh một buồn đau mười nên càng nhanh chóng ra đi.
Sau khi chôn cất ông Thành xong, cả anh Tuấn lẫn anh Thành đều lập bàn thờ cha riêng tại nhà mình. Cứ thế đến ngày lễ Tết nhà ai người nấy cúng không hỏi han gì nhau. Và đương nhiên đến ngày giỗ ông Thành cả hai anh em cùng làm cúng ở hai nhà. Anh em họ hàng thì cũng chỉ chừng bấy nhiêu người, nhà nào cũng mời đủ cho đúng thông lệ. Ai không đi thì coi như trọng bên này khinh bên kia.
Thế là từ chỗ anh em bất hòa vì đất đai, cả họ hàng thân tộc phải chịu nỗi khổ khó nói: Một ngày ăn hai đám cỗ. Khổ nhất là mấy bậc trưởng lão, cứ đi đến ngõ hai nhà là ngập ngừng không biết nên vào đám nhà nào trước.
Giỗ đầu của ông Thành các cụ rủ nhau vào lễ ở nhà anh cả Tuấn trước cho nó có thứ tự rồi vào cỗ anh con thứ sau. Ai ngờ sau đó, ai cũng phải nghe các câu nói "mát mẻ" của vợ chồng anh con thứ.
Thế là rút kinh nghiệm, mấy năm sau các cụ chia nhau thứ bậc đến cả hai nhà để cúng lễ và đảm bảo đồng đều cho gia chủ. Khổ, cả họ chỉ có mấy bậc trưởng lão đi ăn cỗ nhà nào cũng tròn một mâm ngồi trên với nhau cho vui. Giờ đến cỗ nhà ông Thành cái thú chén tạc chén thù với nhau coi như mất hẳn. Chẳng biết hai ông con trai của ông Thành có thấu nỗi khổ khó nói của mọi người không?