An ninh cơ sở tốt, an ninh quốc gia sẽ tốt

THẢO HƯƠNG
Chia sẻ

(PNTĐ) -Sáng 20/6, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (BVANTT) ở cơ sở. Bộ trưởng Tô Lâm - ĐBQH đoàn Hưng Yên cho biết: “Chúng tôi làm tốt từ cấp cơ sở, phường, xã. Xã nào, phường nào cũng tốt lên thì huyện, quận cũng sẽ tốt; quận, huyện tốt thì tỉnh cũng sẽ tốt; tỉnh nào cũng tốt thì cả quốc gia sẽ tốt”.

Tại buổi thảo luận, các đại biểu đều nhất trí cho rằng cần xây dựng dự án luật nhằm sắp xếp, bố trí lực lượng tham gia BVANTT ở cơ sở theo hướng thống nhất, kiện toàn, tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quan hệ công tác.

Từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng tham gia BVANTT ở cơ sở; chất lượng, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự (ANTT) tại địa bàn cơ sở; xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, có hiệu lực pháp lý cao quy định về nhiệm vụ, hoạt động, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động của các lực lượng tham gia BVANTT ở cơ sở.

Trao đổi thêm về một số vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết: Công tác bảo đảm ANTT của Bộ Công an với mục tiêu ghi trong Nghị quyết Đại hội là xây dựng một xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, mọi người dân đều được hưởng hạnh phúc, bình an, không ai bị đe doạ, không ai bị ảnh hưởng đến quyền tự do cư trú, sinh hoạt, làm việc, phát triển kinh tế.

An ninh cơ sở tốt, an ninh quốc gia sẽ tốt - ảnh 1
Bộ trưởng Tô Lâm thảo luận tại tổ sáng 20/6

“Chúng tôi làm tốt từ cấp cơ sở, phường, xã. Xã nào, phường nào cũng tốt lên thì huyện, quận cũng sẽ tốt; quận, huyện tốt thì tỉnh cũng sẽ tốt; tỉnh nào cũng tốt thì cả quốc gia sẽ tốt” - Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định và cho biết, những vấn đề thuộc an ninh quốc gia thì Chính phủ, Nhà nước lo. Đối với người dân, thì phải đảm bảo cho họ được an toàn, hạnh phúc.

“Trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, chúng tôi đã tổng kết, có 1 điểm rất mới, đó là quan tâm đến an ninh, an toàn. Đó không chỉ là an ninh quốc gia, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, sự bền vững của chế độ mà an ninh, an toàn phải đến với cá nhân từng con người. Mục tiêu của chúng ta là đem đến cuộc sống hoà bình, ấm no, hạnh phúc, cho người dân sự thảnh thơi nhất, không phải lo nghĩ, lo sợ mất an toàn” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Bộ trưởng Tô Lâm cũng thông tin: Bộ Công an đã triển khai bài bản, phân công nhiệm vụ cụ thể từ Bộ đến tỉnh, huyện, xã. Mục tiêu quan trọng nhất là bám vào cơ sở, tức là quan tâm đến từng gia đình, từng người dân. “Chúng tôi thấy việc này rất quan trọng và đã đặt mục tiêu xây dựng cơ sở phường, xã là những "pháo đài" về ANTT. Tăng cường Công an chính quy về xã là để thực hiện nhiệm vụ đó.

Tuy nhiên, Công an xã chưa đủ để đảm bảo an ninh, an toàn mà phải vận động quần chúng nhân dân cùng tham gia, cải cách hành chính phục vụ nhân dân ngay tại cơ sở” – Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, đồng thời cho biết thêm, trước đây, người dân khi cần giao dịch phải lên tỉnh, huyện, bây giờ những thủ tục hành chính đó đã được phân công cho cấp xã làm. Trước đây phải giải quyết trực tiếp, bây giờ không cần tiếp xúc mà giải quyết trên hệ thống mạng.

“Những cải cách như vậy đến với người dân rất quan trọng. Chúng tôi sẽ xây dựng những xã không có tội phạm, không có ma tuý. Đây là mục tiêu rất lớn” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh và cho rằng, tội phạm, ma tuý, tệ nạn xã hội đều phát sinh từ cơ sở, người dân đều biết, thế nên chính quyền, Công an phải biết những việc đó để giải quyết. Vì vậy, cần phải xây dựng lực lượng này để tham gia giúp Công an, chính quyền nắm tình hình, phát hiện các mâu thuẫn trong nhân dân, các loại tội phạm để giải quyết.

Bên cạnh đó, ở cấp xã có rất nhiều việc phải làm: từ cứu hộ cứu nạn, phòng cháy chữa cháy, giải quyết mâu thuẫn, quản lý cải tạo người phạm tội, người được tha tù…

"Chúng tôi hiện nay đã bố trí ở mỗi xã có 5-6 cán bộ Công an, sắp tới ở các địa bàn phức tạp về an ninh sẽ bố trí mỗi xã có 1 cán bộ an ninh; nếu phức tạp về ma tuý có chuyên gia về ma tuý, lại có thể phải có cán bộ điều tra để giải quyết tin báo tố giác tội phạm theo quy định, về thủ tục hành chính cũng phải có người. Do có quá nhiều công việc như vậy nên Công an không thể đủ lực lượng, một người phải kiêm nhiều việc. Chính vì vậy, phải cần lực lượng để hỗ trợ” – Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.

Thực tế về mặt pháp lý đã có nhiều quy định nhưng chưa có luật nào quy định cụ thể, riêng cho lực lượng này. Đây là lực lượng đang hiện hữu, đang làm nhiệm vụ ở cơ sở liên quan đến quyền tự do dân chủ của người dân nên nếu không được quy định trong luật thì sẽ không đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Tin cùng chuyên mục

Phải đổi mới căn bản tư duy xây dựng pháp luật, chuyển từ quản lý sang phục vụ

Phải đổi mới căn bản tư duy xây dựng pháp luật, chuyển từ quản lý sang phục vụ

(PNTĐ) - Chiều 17/5, thảo luận tại tổ 1, đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Trước hết, phải đổi mới căn bản tư duy xây dựng pháp luật, chuyển từ quản lý sang phục vụ, từ bị động sang chủ động, kiến tạo cho phát triển; phải hình dung trước sự phát triển đòi hỏi thế nào để có quy định phù hợp. Xây dựng pháp luật phải đi trước một bước, bảo đảm tính dự báo cao, phù hợp thực tiễn và yêu cầu sự vận dụng nhanh chóng, phục vụ yêu cầu phát triển.
Sư đoàn Phòng không 361 đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc Hạng Nhất

Sư đoàn Phòng không 361 đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc Hạng Nhất

(PNTĐ) - Tròn 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, sáng 17/5, Sư đoàn Phòng không 361 long trọng kỷ niệm Ngày truyền thống và đón nhận phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước: Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất. Đây không chỉ là sự ghi nhận những chiến công hiển hách trong lịch sử, mà còn là động lực to lớn để cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn vững bước bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc trong tình hình mới.
Đề xuất bổ sung nội dung “đảm bảo tính đặc thù của các tổ chức thành viên” trong Hiến pháp sửa đổi

Đề xuất bổ sung nội dung “đảm bảo tính đặc thù của các tổ chức thành viên” trong Hiến pháp sửa đổi

(PNTĐ) - Thống nhất với Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013, bà Trần Thu Thủy, Nguyên Chánh văn phòng Trung ương Hội LHPN Việt Nam cho rằng Dự thảo đã nêu khá rõ những vấn đề của hệ thống các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Do vậy, việc thực hiện chủ trương của Đảng về nghiên cứu sắp xếp lại các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ về trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là điều cần thiết.