Ủy ban Kinh tế thống nhất với mục tiêu, yêu cầu, kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Trình bày Báo cáo thẩm tra Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: Ủy ban Kinh tế cơ bản thống nhất với mục tiêu, yêu cầu, kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, năm 2024, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi và phát triển tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu. Trong đó, GDP năm 2024 ước tăng 7,09%, thuộc nhóm dẫn đầu thế giới và khu vực. 

Ủy ban Kinh tế thống nhất với mục tiêu, yêu cầu, kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 - ảnh 1
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày

Bên cạnh các kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội nước ta còn gặp một số khó khăn, thách thức. Thiên tai, bão lũ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Quy mô, sức chống chịu của nền kinh tế còn khiêm tốn, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, vẫn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và khu vực FDI. Những động lực tăng trưởng kinh tế truyền thống chưa được cải thiện mạnh mẽ, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, khu vực doanh nghiệp vẫn đối diện với nhiều khó khăn, trong khi động lực tăng trưởng mới chưa rõ ràng.

Ủy ban Kinh tế cơ bản thống nhất với mục tiêu, yêu cầu, kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 trong Tờ trình, Báo cáo của Chính phủ. Việc trình Quốc hội điều chỉnh tăng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 thể hiện quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, góp phần củng cố, tạo nền tảng vững chắc để đạt tăng trưởng 2 con số trong thời gian đủ dài, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên phát triển thịnh vượng.

Về chỉ tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5 - 5%, Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc điều chỉnh chỉ tiêu chỉ số giá tiêu dùng là cần thiết nhằm tạo không gian trong điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, lạm phát là chỉ tiêu quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến ổn định vĩ mô cũng như đời sống người dân và chi phí của doanh nghiệp. Do đó, đề nghị Chính phủ có các giải pháp kiểm soát lạm phát phù hợp với mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.

Về đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu về bội chi và nợ công, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ sử dụng hiệu quả nguồn lực, thực hiện đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về quản lý nợ công; quyết liệt điều hành để bảo đảm bội chi, nợ công trong phạm vi đã được Quốc hội quyết định tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 và Nghị quyết số 159/2024/QH15, chỉ điều chỉnh khi đã thực hiện hết các giải pháp và bảo đảm an toàn nợ công, khả năng trả nợ, đặc biệt là chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ so với tổng thu ngân sách.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt từ 8% trở lên, cần tiếp tục tập trung thực hiện tốt Kết luận số 97-KL/TƯ ngày 5/10/2024 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về kinh tế - xã hội năm 2024 - 2025 đã được thể chế hóa cụ thể trong Nghị quyết số 158/2024/QH15 của Quốc hội. Đặc biệt là triển khai quyết liệt, hiệu quả Kết luận số 123-KL/TƯ của Trung ương và tùy tình hình thực tế có các giải pháp điều hành phù hợp.

Ủy ban Kinh tế thống nhất với mục tiêu, yêu cầu, kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 - ảnh 2
Các đại biểu dự kỳ họp

Đồng thời, bám sát mục tiêu tăng trưởng và Kết luận số 123-KL/TƯ của Trung ương để xác định cụ thể lộ trình, trách nhiệm xây dựng trình Quốc hội các luật, nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm hành lang pháp lý cho việc đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 và các năm tiếp theo.

Theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế, chính trị thế giới, đánh giá đúng tình hình, kịp thời phản ứng chính sách. Tiếp tục tăng cường năng lực nội sinh, quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng nhưng giữ vững nền tảng để phát triển bền vững, lâu dài, đặc biệt là ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh.

Có giải pháp cụ thể, hiệu quả để bảo đảm an sinh xã hội, an ninh tài chính quốc gia trong trường hợp nới lỏng chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và điều chỉnh tăng CPI, bội chi, nợ công. 

 

Tin cùng chuyên mục

Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn trao Huy hiệu Đảng tại quận Đống Đa

Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn trao Huy hiệu Đảng tại quận Đống Đa

(PNTĐ) - Mặc dù tuổi đã cao, song các bác, các đồng chí vẫn tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương, gương mẫu đi đầu trong nhiều lĩnh vực, góp phần hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội và bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định an ninh, trật tự của quận Đống Đa, đóng góp vào thành công chung của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô trong những năm qua.
Hành trình trao quyền năng kinh tế cho phụ nữ

Hành trình trao quyền năng kinh tế cho phụ nữ

(PNTĐ) - Ngày nay, phụ nữ ngày càng khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong gia đình và xã hội. Họ không chỉ là lao động chính tạo ra của cải vật chất, kinh tế gia đình, nuôi dạy con cái trưởng thành mà còn là "tay hòm chìa khóa" quản lý tài chính gia đình. Tư vấn cho phụ nữ kiến thức quản lý tài chính thông minh, giúp họ đảm bảo kinh tế gia đình ổn định, bền vững cũng chíinh là chủ đề hội nghị tập huấn do Báo Phụ nữ Thủ đô phối hợp với Công ty Tài chính TNHH MTV Home Credit Việt Nam tổ chức ngày 15/5, tại thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.