Tiến sĩ Nguyễn Thu Hằng: Giới trẻ không còn quay lưng lại với nghệ thuật truyền thống!

HỒNG NHUNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Trải qua những nấc thang thăng trầm trong lịch sử phát triển của đất nước, những nhận thức đúng đắn về gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt đối với thế hệ trẻ đã trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng giúp chúng ta ngày càng hội nhập sâu rộng ra thế giới, khẳng định vị thế riêng có của Việt Nam. Những thay đổi mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước, cùng sự vào cuộc của toàn thể xã hội, đặc biệt là giới quản lý văn hoá, các thế hệ văn - nghệ sĩ … đã dần thức tỉnh tư tưởng, tình cảm và cái nhìn của giới trẻ đối với văn hoá truyền thống. Báo Phụ nữ Thủ đô có buổi chia sẻ với Tiến sĩ, Giảng viên Nguyễn Thu Hằng, Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội về vấn đề này.

PV: Thưa Tiến sĩ, Giảng viên Nguyễn Thu Hằng, sau 1 thời gian nghệ thuật truyền thống phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong việc phục hồi và lan tỏa, chị đánh giá như thế nào về xu hướng của các bạn trẻ khi quyết định đăng ký học tập và theo đuổi các bộ môn này ở thời điểm hiện tại?

Tiến Nguyễn Thu Hằng: Như các bạn đã biết, năm 1986 khi Việt Nam bắt đầu mở cửa hội nhập với thế giới trên tất cả các bình diện từ kinh tế, văn hoá, xã hội đến chính trị, an ninh, quốc phòng. Xu thế hội nhập đã mở ra vô vàn cơ hội để Việt Nam phát triển, hội nhập, sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Nhưng bên cạnh đó, cũng chính trong xu thế mở cửa đã đặt nước ta phải đứng trước hàng loạt những khó khăn, thử trách, trong đó vấn đề về phát triển văn hoá trong bối cảnh mới như thế nào được xác định là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng.

Tiến sĩ Nguyễn Thu Hằng: Giới trẻ không còn quay lưng lại với nghệ thuật truyền thống! - ảnh 1
Tiến sĩ, Giảng viên Nguyễn Thu Hằng, Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.

Nhiều luồng văn hoá mới du nhập vào Việt Nam, với sự mới mẻ, lạ lẫm, hấp dẫn đã lôi cuốn sự quan tâm của đại bộ phận giới trẻ, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… Chúng ta phải thừa nhận một thực tế rằng, đã có thời điểm giới trẻ gần như quay lưng lại với văn hoá dân tộc, mải mê chạy theo cái mới của văn hoá phương Tây, đặc biệt biểu hiện rất rõ là trong lĩnh vực nghệ thuật: Nhảy hiện đại, hiphop, Kpop, các thể loại nhạc dance, nhạc rap, nhạc EDM… chiếm ưu thế trong thị hiếu thưởng thức của giới trẻ và được các bạn tìm học thông qua các hoạt động nhóm, các câu lạc bộ…

Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII (tháng 7-1998) đã ban hành nghị quyết chuyên đề về “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, cho thấy chuyển biến hết sức mạnh mẽ trong nhận thức của Đảng về tầm quan trọng của văn hóa bên cạnh vấn đề phát triển kinh tế và xây dựng Đảng. Nghị quyết khẳng định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Mọi hoạt động văn hóa, văn nghệ phải nhằm xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người Việt Nam về tư tưởng, đạo đức, tâm hồn, tình cảm, lối sống, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh cho sự phát triển xã hội”. Đây chính là một động thái mang tính chính trị của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề văn hoá để thích ứng với bối cảnh mới. Và cho đến nay, trải qua các kỳ Đại hội: khoá IX, X, XI, và đến Đại hội XII, Đảng ta tiếp tục khẳng định đường lối nhất quán xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, con người Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Như vậy, trải qua những nấc thang thăng trầm của lịch sử phát triển văn hoá, xã hội của đất nước, những nhận thức đúng đắn ấy về văn hoá đã trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng giúp đất nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng vào thế giới và khẳng định vị thế riêng có của Việt Nam. Chính những thay đổi mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước ta, cùng với sự vào cuộc của toàn thể xã hội, đặc biệt là giới quản lý văn hoá, giới văn - nghệ sĩ … đã thức tỉnh tư tưởng, tình cảm và cái nhìn của giới trẻ đối với văn hoá truyền thống. Và tất nhiên, cũng từ đây xu hướng các bạn trẻ tìm đến các cơ sở đào tạo nghệ thuật chuyên nghiệp và chọn cho mình các chuyên ngành về nghệ thuật dân tộc đã ngày một gia tăng.

PV: Cách thức đào tạo các loại hình nghệ thuật truyền thống tại Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội ưu tiên điều gì để có thể có được đội ngũ học viên, sinh viên chất lượng trong quá trình học cũng như sau khi tốt nghiệp, thưa Tiến sĩ?

Tiến Nguyễn Thu Hằng: Trường ĐH Văn hoá nghệ thuật Quân đội là một trong cái nôi đào tạo nghệ thuật chuyên nghiệp có uy tín trong Quân đội và đất nước. Bên cạnh các cơ sở như Học viện Múa Việt Nam, Nhạc viện, Đại học Văn hoá Hà Nội, Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội… Trường ĐH Văn hoá nghệ thuật Quân đội rất mừng và tự hào là một đơn vị được đông đảo quý phụ huynh và học sinh chọn làm nơi học tập và định hướng nghề nghiệp của con em mình trong tương lai. Năm 2025, cũng là một năm khởi sắc vô cùng quan trọng của Nhà trường đó là, sau nhiều năm không được đào tạo hệ dân sự thì năm 2025 này, Nhà trường đã bắt đầu được mở lại hệ đào tạo dân sự. Đây là cơ hội cho tất cả học sinh trong cả nước mong muốn trở thành học sinh, sinh viên trường mái trường: “Chiến sĩ – Nghệ sĩ”. Khi theo học các chuyên ngành nghệ thuật chuyên nghiệp bậc Trung cấp và chuyên ngành quản lý Văn hoá bậc Đại học hay các ngành đào tạo khác, các bạn sẽ được học dưới một mái trường mà ở đó mỗi giảng viên không chỉ là một người thầy, người cô, mà thực sự như một người cha, người mẹ hiền, những người có chuyên môn vững vàng, có đạo đức nghề nghiệp, đam mê, tâm huyết và hơn cả họ có trái tim của một người lính Cụ Hồ, trái tim ấy dẫn dắt họ thực hiện sứ mệnh của Đảng, Nhà nước và Quân đội giao phó, đó là đào tạo ra lớp lớp thế hệ văn nghệ sĩ, những nhà quản lý văn hoá tương lai thực sự “vừa hồng, vừa chuyên”, “Nghệ sĩ cũng là chiến sĩ trên mặt trận văn hoá” đúng như mong muốn của Bác Hồ vĩ đại.

Tiến sĩ Nguyễn Thu Hằng: Giới trẻ không còn quay lưng lại với nghệ thuật truyền thống! - ảnh 2
Theo Tiến sĩ, Giảng viên Nguyễn Thu Hằng: Giới trẻ hiện nay không quay lưng lại với văn hoá truyền thống!

Cách thức đào tạo nghệ thuật truyền thống cũng như các chuyên ngành nghệ thuật khác của Nhà trường đó là, luôn luôn kết hợp “Học đi đôi với hành”. Học sinh, sinh viên không chỉ được học cùng thày, cô trên lớp mà còn có cơ hội được thực tập nghề nghiệp ở rất nhiều các chương trình nghệ thuật lớn/nhỏ của Quân đội và đất nước. Ngoài ra, các hoạt động thực hành nghệ thuật trong Nhà trường cũng rất sôi nổi. Học sinh tham gia các đề tài NCKH hình thức thực hành biểu diễn rất hiệu quả. Có nhiều đề tài đã được đưa vào ứng dụng thực tế, tạo ra một môi trường học tập rất năng động, hiệu quả, hào hứng cho mỗi học sinh, sinh viên. Giảng viên không chỉ truyền dạy những kĩ năng chuyên môn và luôn lồng ghép vào bài giảng những thông tin, giá trị, ý nghĩa của từng bài nhạc, bài hát hay bài múa, đặc biệt là các tác phẩm chủ đề về văn hoá dân tộc. Chính điều này, cũng giúp các em, không chỉ thực hiện được tác phẩm mà còn hiểu được tác phẩm mình thể hiện, đó là một trong những yếu tố tạo cho mỗi tác phẩm khi được biểu diễn trở nên có cảm xúc, cố hồn và chính vì điều này cũng làm cho các em thêm yêu văn hoá dân tộc hơn, vững nghề, tự tin với nghề sau khi tốt nghiệp.

PV: Giữa rất nhiều những sân chơi nghệ thuật đa dạng và phát triển như hiện tại, điều gì khiến nghệ thuật truyền thống vẫn có được sức hút riêng khi tiếp cận với khán giả và giữ chân những người trẻ đam mê nghệ thuật?

Tiến Nguyễn Thu Hằng: Như tôi vừa chia sẻ ở trên, một tín hiệu rất đáng mừng là giới trẻ hiện nay không quay lưng lại với văn hoá truyền thống nữa. Trong thế kỷ 21 này, chưa bao giờ chúng ta được chứng kiến sự phát triển sôi động của bức tranh đa sắc về văn hoá như vậy và cũng chưa bao giờ chúng ta được thấy sự chủ động của giới trẻ Việt Nam trong công cuộc phát triển văn hoá như bây giờ. Điều này được minh chứng bằng hàng loạt các tác phẩm văn hoá, nghệ thuật, các công trình ở mọi loại hình văn hoá nghệ thuật được trình diễn, công bố mà tác giả là những bạn trẻ, thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước. Văn hoá truyền thống của dân tộc đã trở thành chất xúc tác, niềm cảm hứng bất tận cho giới trẻ tìm hiểu và thể hiện thông qua những tác phẩm. Sự kết hợp giữa “truyền thống” và “hiện đại”, giữa yếu tố “tiên tiến” và “đậm đà bản sắc” được chắt lọc qua lăng kính của thế hệ tri thức trẻ đầy sáng tạo, đã trở thành những tác phẩm được đông đảo công chúng công nhận và như một cú hích làm sống dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc. Một lần nữa khẳng định, văn hoá Việt Nam trường tồn và mãi mãi, tư tưởng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính sách và sự định hướng của Đảng và Nhà nước ta là đúng đắn và vô cùng sáng suốt.

Nhiều ca khúc lấy cảm hứng từ chất liệu dân gian kết hợp với nghệ thuật đương đại, hiện đại như: Chiếc khăn Piêu; Con cò; Mưa bay tháp cổ; Chuồn chuồn ớt; Ôi quê tôi; Dệt tầm gai; Cô Tấm ngày nay; Xẩm Kiều; Lúng lính cái duyên; Bắc Blinh; Để Mị nói cho mà nghe… Còn với nghệ thuật múa, phải kể đến một số tác phẩm nổi tiếng như: Kịch múa “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh”; Kịch múa “Đất nước”; Kịch múa “Nguồn sáng”; Kịch múa “Một thời và mãi mãi”; Kịch múa “Chuyện tình non nước”… Tất cả các vở diễn ấy đều lấy cảm hứng từ chủ đề cách mạng, hình ảnh người lính bộ đội Cụ Hồ, cuộc đấu tranh gian khổ, trường kỳ của dân tộc Việt Nam để giành độc lập, tự do cho đất nước.

Những tác phẩm là những bản hùng ca bất diệt về chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời đại Hồ Chí Minh, có giá trị nhắc nhớ các thế hệ ý thức tự tôn dân tộc, ý thức dựng xây đất nước xứng đáng với máu xương mà cha anh ta đã đổ xuống vì hoà bình hôm nay; và còn nhiều tác phẩm như: “Đồng chí”; “Mẹ Việt Nam”; “Sương sớm”; “Thân phận”; “Sóng lụa ven đô”; “Gạo mới”; “Ký ức dòng Lam”, “Chú Tễu”… đều lấy chất liệu từ lịch sử dân tộc, truyền thống văn hoá dân tộc hay những vẻ đẹp, phong tục mang tính bản sắc của tộc người để phản ảnh trong các tác phẩm múa dân gian đương đại. Ngoài ra còn rất nhiều những tác phẩm điện ảnh, những công trình nghiên cứu về bản sắc văn hoá dân tộc, về phong tục, tập quán, lễ hội… Những tác phẩm văn học nghệ thuật này đã khẳng định sự vào cuộc đầy chủ động của tri thức Việt Nam không chỉ giới văn nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu văn hoá mà là tiếng nói của cả cộng đồng dân tộc trong dòng chảy chung của văn hoá nước nhà.

PV: Những sản phẩm, thành tựu và kinh nghiệm của chính Tiến trong hơn 20 năm hoạt động nghệ thuật quần chúng và hơn 10 năm với vai trò là nhà nghiên cứu văn hoá, giảng viên các bộ môn lý luận về văn hoá, theo đuổi con đường giáo dục và duy trì niềm đam mê nghệ thuật truyền thống?

Tiến Nguyễn Thu Hằng: Năm 12 tuổi, tôi trở thành học sinh của trường Múa Việt Nam hệ 7 năm. Năm 2001 tôi tốt nghiệp nhưng không theo nghề diễn viên mà thi vào Đại học Văn hoá Hà Nội để thực hiện lời hứa với Bố kính yêu – ông là một sỹ quan cao cấp trong Quân đội nhưng giờ không còn nữa! Năm 2004 tôi tốt nghiệp Đại học Văn hoá với tấm bằng Giỏi, có cơ hội được giữ lại trường làm giảng viên nhưng tuổi trẻ với biết bao đam mê khám phá thế giới bên ngoài nên tôi đã quyết định tự mình bươn chải. Sau một thời gian, tôi vào làm tại Bộ VHTT&DL với chức danh chuyên viên nghệ thuật, sau đó tiếp tục công tác tại Học viện Múa Việt Nam trong vai trò chuyên viên nghiên cứu. Đến năm 2017, tôi về trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật quân đội và gắn bó đến nay.

Năm 2019, tôi bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ, được đánh giá xuất sắc. Đây là bước phát triển hoàn thiện vô cùng có ý nghĩa trong sự nghiệp của tôi và nó cũng minh chứng cho sự đam mê theo đuổi nghiên cứu về văn hoá dân gian thông qua ngôn ngữ múa của mình là một lựa chọn đúng đắn.

"Giới trẻ hiện nay không những không quay lưng lại với văn hoá truyền thống nữa mà ngược lại những chất liệu từ phong tục, tập quán, lễ hội, từ những thành tố của văn hoá như trang phục, ẩm thực, các loại hình nghệ thuật dân gian… đã trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ để các bạn trẻ khám phá, sáng tạo và cho ra đời những sản phẩm mang tính đương đại, vừa đảm bảo yếu tố hiện đại phù hợp với xu thế phát triển nhưng không làm mất đi bản sắc văn hoá dân tộc!

Tiến sĩ, Giảng viên Nguyễn Thu Hằng

Mặc dù vậy, cá nhân tôi cho rằng quãng đường mình đi vẫn cần nỗ lực, phấn đấu rất nhiều. Tuy nhiên, tôi tự tin khi khẳng định rằng văn hóa, nghệ thuật truyền thống không bao giờ mất đi những giá trị cốt lõi của nó. Quan điểm đó cũng thể hiện rất rõ trong các ấn phẩm tôi đã cho ra mắt trong suốt thời gian qua: như năm 2021, tôi xuất bản chuyên khảo đầu tiên mang tên: “Tạo dựng bản sắc văn hoá dân tộc qua ngôn ngữ múa dân gian đương đại”; Năm 2023, xuất bản chuyên khảo thứ 2 mang tên: “Đặc trưng văn hoá một số dân tộc cùng tên của Việt Nam và Trung Quốc qua tác phẩm múa”; Năm 2025, xuất bản cuốn: “Múa dân gian trong lễ hội vùng Hà Nội: Giá trị văn hoá lịch sử và vấn đề bảo tồn phát triển”. Tất cả đều được giới chuyên môn đánh giá cao và sinh viên hào hứng tiếp nhận, tham khảo. Đây là minh chứng rõ nét nhất để các thế hệ giảng viên chúng tôi bám đuổi mục tiêu trau dồi và truyền thụ kiến thức ở mảng nội dung này!

Tiến sĩ Nguyễn Thu Hằng: Giới trẻ không còn quay lưng lại với nghệ thuật truyền thống! - ảnh 3

PV: Theo Tiến sĩ, những bộ môn nghệ thuật truyền thống nào đang khởi sắc trở lại và những bộ môn ngày càng ít người theo học?

Tiến Nguyễn Thu Hằng: Một số loại hình Nghệ thuật truyền thống được các bạn trẻ theo học nhiều như: Hát dân ca: quan họ, hát xẩm, ca trù… Nhạc cụ thì có: đàn tranh, tam thập lục, đàn tơ rưng, trống, sáo trúc… các bạn không chỉ học chính khoá trong các trường đào tạo nghệ thuật mà còn thành lập các nhóm sinh hoạt theo kiểu câu lạc bộ cũng rất hiệu quả. Một số trường PTCS, PTTH đưa môn nghệ thuật truyền thống như múa dân gian, hát dân ca, nhạc cụ truyền thống vào dạy theo hình thức Câu lạc bộ và được đông đảo các em học sinh lựa và thích thú như trường PTCS, PTTH Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trường PTCS, PTTH Lomonoxop, Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm…

Nhưng bên cạnh đó cũng còn nhiều bộ môn có ít học sinh theo đuổi, đặc biệt là nhạc cụ như: Đàn bầu, đàn tì bà, đàn nhị… có lẽ việc theo học một bộ môn nghệ thuật truyền thống đòi hỏi rất công phu, khổ luyện và kiên trì, thời gian học tập rất dài mới thành nghề. Vì vậy, học sinh theo học cũng phải tính đến khả năng ứng dụng ngoài thực tế của các bộ môn nghệ thuật trước khi đưa ra lựa chọn.

PV: So với các loại hình đào tạo nghệ thuật hiện đại thì nghệ thuật truyền thống được đánh giá là vừa vất vả, khó học, lại phải rất bền bỉ kiên trì, trong khi thu nhập lại khó hơn rất nhiều hình thức nghệ thuật khác? Vậy các trường cũng như những người luôn tâm huyết với nghệ thuật truyền thống đã “tháo gỡ” suy nghĩ này cho các sinh viên theo học như thế nào?

Tiến Nguyễn Thu Hằng: Đúng vậy, việc có thể trở thành một nghệ sĩ dân gian dân tộc hay có thể kiếm được tiền hay nói cách khác có thể làm giàu được ở loại hình nghệ thuật truyền thống vẫn là một thách thức của không chỉ người học mà còn đối với giới quản lý mà trực tiếp là những nhà giáo dục. Song, nói như vậy, không có nghĩa là theo nghệ thuật truyền thống thì chúng ta sẽ bị “đói” đâu các bạn nhé. Các bạn cứ yên tâm rằng, khi mình có đủ đam mê và tâm huyết, yêu nghề và kiên trì theo nghề thì chắc chắn các bạn sẽ gặt hái được những vinh quang trong nghề nghiệp. Có câu nói: “Yêu nghề nghề không phụ” hay “Mọi nỗ lực sẽ được đền đáp xứng đáng” là những câu nói và cũng là sự động viên, khích lệ mà giáo viên chúng tôi hay nói với các học sinh, sinh viên của mình.

Các bạn biết đấy, hoạt động nghệ thuật nói chung là rất vất vả không riêng chuyên ngành nghệ thuật gì. Nếu không có đủ tình yêu với nghề bạn sẽ không thể làm nghề được, chưa nói đến việc gặt hái được những vinh quang. Nhìn vào gương những nghệ sĩ, nhà giáo đã dành cả cuộc đời mình cho nghề nghiệp, kiên trì với sự lựa chọn của mình và họ đã và đang đứng trên đỉnh cao của sự nghiệp, được nhân dân mến mộ, khâm phục và được Đảng, Nhà nước công nhận tôn vinh: Với Quân đội chúng tôi tự hào có: Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thuỷ, Nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn, Nhạc sĩ Đỗ Bảo, NSND Lữ Kiều Lê, NSND Nguyễn Thu Hà, NSND Hồng Hạnh và rất nhiều NSƯT, ca sĩ nổi tiếng bước ra từ ngồi trường “Chiến sĩ – Nghệ sĩ” cùng đội ngũ các giảng viên giỏi, giảng viên ưu tú đang ngày đêm miệt mài , tâm huyết với từng trang giáo án… Đó chính là những tấm gương sáng để lớp lớp thế hệ học sinh, sinh viên, những văn nghệ sĩ tương lai của Quân đội và đất nước học tập, nỗ lực, phấn đấu - noi theo. Chúng tôi tự tin rằng, bằng tình yêu, tâm huyết của mình, với xứ mệnh của những “chiến sĩ – nghệ sĩ” và niềm tin yêu của các bậc phụ huynh, các bạn trẻ trong cả nước, chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng một nền văn hoá Việt Nam “tiên tiến” và “đậm đà bản sắc” đưa văn hoá Việt Nam hoà nhập sâu rộng với văn hoá Thế giới mà không bị “hoà tan” trước bất kỳ một thách thức hay khó khăn nào. Một kỷ nguyên vươn mình và thịnh vượng nằm trong chính bàn tay, khối óc và thái độ của chúng ta trước vận mệnh của đất nước.

Cảm ơn Tiến sĩ, Giảng viên Nguyễn Thu Hằng về cuộc trò chuyện này!

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tôn vinh di sản thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh qua thư họa

Tôn vinh di sản thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh qua thư họa

(PNTĐ) - Nhân dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025), triển lãm nghệ thuật “Thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh qua nét chữ sắc màu” đã chính thức khai mạc tại Trung tâm điều phối các hoạt động sáng tạo Hà Nội, trong khuôn viên Bảo tàng Hà Nội. Sự kiện do Bảo tàng Hà Nội phối hợp với Trung tâm điều phối các hoạt động sáng tạo Hà Nội tổ chức, mang đến một không gian nghệ thuật đặc biệt nhằm tôn vinh cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người thông qua hình thức thư họa – một sự kết hợp đầy sáng tạo giữa thư pháp và hội họa.
Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu, bổ sung chế tài xử lý nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật

Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu, bổ sung chế tài xử lý nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật

(PNTĐ) - Ngày 17/5/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về việc tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới. Đáng chú ý, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, đề xuất bổ sung các chế tài xử lý nghiêm các cá nhân, nghệ sĩ, người nổi tiếng lợi dụng uy tín để quảng cáo sai sự thật, đặc biệt là trên mạng xã hội.
Quỳnh Hoa- Trí Anh đối thoại thế hệ bằng giai điệu xưa qua “Lãng Du”

Quỳnh Hoa- Trí Anh đối thoại thế hệ bằng giai điệu xưa qua “Lãng Du”

(PNTĐ) - Không chọn cách gây chú ý bằng kỹ xảo hay hòa âm dày đặc, Lãng Du là album acoustic mộc mạc của Quỳnh Hoa và Trịnh Trí Anh – nơi âm nhạc xưa được kể lại bằng một giọng nói mới: chân thành, giản dị và đầy lắng nghe. Hai nghệ sĩ từ hai phía thời gian đã gặp nhau trên hành trình âm nhạc không cần tái hiện, chỉ cần sống thật.
Triển lãm chuyên đề “Hồ Chí Minh trong nghệ thuật tạo hình”

Triển lãm chuyên đề “Hồ Chí Minh trong nghệ thuật tạo hình”

(PNTĐ) - Triển lãm chuyên đề “Hồ Chí Minh trong nghệ thuật tạo hình” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là hoạt động thiết thực của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025). Triển lãm giới thiệu 60 tác phẩm được chọn lọc trong hàng trăm tác phẩm sáng tác về Chủ tịch Hồ Chí Minh.