Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

Bài và ảnh: HỒNG NHUNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Gần 70% trẻ em từ 10 đến 14 tuổi từng phải hứng chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong chính gia đình của mình. Đáng lo ngại hơn, 7 trong 10 trẻ bị trừng phạt bằng các hành vi bạo lực, để lại những tổn thương dai dẳng cả về thể chất lẫn tinh thần.

Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình - ảnh 1
Một người từng bị bạo lực gia đình khi còn nhỏ chia sẻ về những chuyện buồn từng trải qua.

Nỗi ám ảnh không dứt
Theo số liệu từ năm 2019 đến nay, Tổng đài bảo vệ trẻ em 111 đã nhận gần 6 triệu cuộc gọi, trong đó có hơn gần 11 nghìn vụ bạo lực và xâm hại trẻ em được ghi nhận. Năm 2024, có tới gần 2 nghìn vụ bạo lực trẻ em được điều tra hình sự, với gần 1.500 bị can. Tình trạng đáng báo động trong một số gia đình, đó là trẻ bị đánh, bỏ đói, thậm chí giết hại bởi chính người thân vẫn xảy ra. Nguyên nhân do nhiều người vẫn coi bạo lực như một biện pháp “uốn nắn”, “giáo dục” trẻ; cộng đồng ít can thiệp khi phát hiện dấu hiệu bạo lực; hạ tầng pháp lý có nhưng triển khai chưa đều; các trung tâm, tổ chức xã hội, đường dây nóng như 111 còn thiếu nguồn lực.

Chia sẻ tại Tọa đàm "Thách thức và Giải pháp trong công tác hỗ trợ trẻ em chịu ảnh hưởng của bạo lực gia đình", do Tổ chức Hagar quốc tế tại Việt Nam tổ chức mới đây, bà Nguyễn Khánh Linh, Phó trưởng phòng Công tác xã hội, Trung tâm Phụ nữ phát triển, Hội LHPN Việt Nam cho biết, bạo lực gia đình gây ra không chỉ tổn thương trước mắt mà còn để lại ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển và sức khỏe của trẻ em khi trưởng thành. Những người trải qua bạo lực gia đình thời thơ ấu có thể gặp nhiều vấn đề sức khỏe và phát triển trong cuộc sống sau này.

Ở Ngôi nhà Bình yên, nơi tiếp nhận phụ nữ và trẻ em bị bạo lực gia đình, không chỉ những trẻ em bị bạo lực trực tiếp mới là bị bạo lực. Nhiều phụ nữ đến Nhà tạm lánh mang theo các con, nhiều em bị sang chấn tâm lý do chứng kiến bố bạo lực cả thể chất và tinh thần với mẹ.

 “Có những bạn chia sẻ thấy mẹ bị bố đánh nên không muốn làm mẹ đau lòng mặc dù con cảm thấy rất là buồn, rất là sợ hãi khi bố đánh mẹ như thế nhưng con không thể chia sẻ. Có những mẹ khi chạy đến Nhà bình yên và không kịp mang theo con, có một sự thật đấy là người gây bạo lực sẽ thường xuyên sử dụng con làm thủ đoạn để lôi kéo người mẹ trở về, thậm chí còn dọa sẽ tự tử, tẩm xăng đốt cả 3 bố con nếu mẹ không về”- chị Khánh Linh cho biết.

Ông Đặng Hoa Nam, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam nhận định, những con số về bạo lực với trẻ em trên mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Phần lớn các hành vi bạo lực không được phát hiện, vì chính nạn nhân hoặc người chứng kiến thường e ngại, sợ hãi, thiếu tin tưởng, hoặc không dám lên tiếng. Chỉ khi vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng thì cơ quan chức năng mới tiếp cận được.

Mặt khác, những đối tượng bị bạo lực như phụ nữ, trẻ em thường có sức đề kháng yếu, khó tự tách khỏi môi trường gia đình. Việc can thiệp, bảo vệ các em là một thách thức lớn, đặc biệt đối với các dịch vụ hỗ trợ xã hội hiện nay.

“Bạo lực, xâm hại trẻ em để lại những hậu quả rất lâu dài. Những vết thương về thể chất có thể lành, nhưng tổn thương về tinh thần và tâm lý thì có thể theo trẻ suốt đời. Đặc biệt nghiêm trọng là khi người gây bạo lực lại chính là người thân - cha mẹ, ông bà, các thành viên trong gia đình, những người lẽ ra phải yêu thương và bảo vệ trẻ nhất. Điều này khiến đứa trẻ mất niềm tin vào các mối quan hệ, phát triển lệch lạc về nhân cách, tâm lý, có xu hướng thu mình, hoặc thậm chí trở thành người tiếp tục sử dụng bạo lực sau này. Các nghiên cứu cũng chỉ ra, phần lớn người có hành vi bạo lực đều từng là nạn nhân hoặc chứng kiến bạo lực từ nhỏ. Đây là vòng luẩn quẩn rất đáng lo ngại”- ông Nam nói.

Bạo lực không phải cách để dạy dỗ hay xây tổ ấm
Thực tế có rất nhiều cơ quan đang thực hiện công tác bảo vệ trẻ em nhưng sự kết nối, phối hợp lại chưa chặt chẽ dẫn tới rất nhiều lỗ hổng. Có những trường hợp đã phát hiện nhưng lại không có hướng xử lý đúng cách, kịp thời dẫn đến những sự cố đáng tiếc. Thậm chí, có những trường hợp đã được báo cáo nhưng công tác xử lý không được tiến hành và chỉ khi vụ việc bị phát hiện, dư luận lên tiếng thì các cơ quan chức năng mới vào cuộc. Ông Đặng Hoa Nam cho rằng, muốn chăm sóc, phòng ngừa tốt cho trẻ em khỏi nguy cơ bạo lực gia đình, cần có hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em, có đội ngũ làm công tác xã hội từ Trung ương tới cơ sở, đặc biệt là trong các nhà trường. Đặc biệt, tăng cường trao đổi thông tin và thúc đẩy sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong công tác bảo vệ và hỗ trợ trẻ em chịu ảnh hưởng bởi bạo lực gia đình:

 Tuy nhiên, ông Nam cũng khẳng định, bảo vệ trẻ em trước hết là trách nhiệm của gia đình. Theo đó, cha mẹ hãy quan tâm, dành nhiều thời gian hơn cho con cái, không chỉ là vật chất mà là sự hiện diện thực sự, sự lắng nghe và thấu hiểu. Bên cạnh đó, hãy học hỏi những kiến thức làm cha mẹ văn minh, chủ động cập nhật kiến thức nuôi dạy, chăm sóc và bảo vệ con, bởi các nguy cơ đối với trẻ luôn diễn biến rất phức tạp. 

Nói về góc độ phát hiện và tố cáo hành vi bạo lực trẻ em trong cộng đồng, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế cho biết, thực tế, ai cũng biết đến Tổng đài bảo vệ trẻ em 111, nhưng nhiều người chứng kiến chưa làm hết trách nhiệm của mình là thông báo đến các cơ quan chức năng, khi nghi ngờ, chứng kiến trẻ em bị bạo lực, chưa kịp thời lên tiếng. Do đó, cần nâng cao nhận thức của xã hội, tăng cường trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng về hậu quả của bạo lực đối với trẻ em; đẩy mạnh truyền thông, cung cấp kiến thức về ảnh hưởng của bạo lực đối với trẻ em, xác định trách nhiệm của gia đình, xã hội, cộng đồng trong chăm sóc, bảo vệ trẻ em…

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

(PNTĐ) - Sau 5 lần giảm cân, Nguyễn Tùng Chi (21 tuổi, quê Hải Dương, hiện là sinh viên đại học năm thứ 3 tại Hà Nội) từ 95kg còn 60kg, trở về thân hình cân đối. Giảm được số cân như vậy không hề dễ dàng và phải cần rất nhiều ý chí. Tùng Chi nói cô rất may mắn vì luôn có mẹ ở bên, động viên mình.
Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

(PNTĐ) - Trong nhịp sống hối hả của xã hội hiện đại, nhiều giá trị truyền thống đang dần bị mai một, sợi dây kết nối giữa các thế hệ trong một gia đình cũng lỏng lẻo hơn. Nhưng vẫn có những mái ấm nhiều thế hệ vẫn giữ được sự gắn kết bền chặt như ở gia đình ba thế hệ của chị Hà Việt Anh. Đặc biệt, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu trong gia đình chị đã trở thành nền móng vững chắc cho một tổ ấm hạnh phúc.
Ứng xử thế nào khi con thi trượt

Ứng xử thế nào khi con thi trượt

(PNTĐ) - Vừa qua, khi nhận được kết quả thi vào lớp 10, trường THPT công lập năm 2025, nữ sinh V.T.D ở Thanh Hóa đã bỏ nhà đi lang thang rồi mất liên lạc. Trong lúc buồn chán, thất vọng với chính bản thân mình, D đã chọn cách gieo mình xuống làn nước sâu…
Mẹ hãy ly hôn đi

Mẹ hãy ly hôn đi

(PNTĐ) - Tép đẩy nhẹ cánh cửa nhà kho sau vườn, ánh sáng bên ngoài tràn vào, mùi ẩm mốc bên trong bốc lên đặc sệt trong cánh mũi. Thằng nhỏ nheo mắt để làm quen với bóng tối trong kho, nó nhận ra những ngón chân của mẹ thò ra sau chiếc thùng phi bằng nhựa.