Ứng xử thế nào khi con thi trượt
(PNTĐ) - Vừa qua, khi nhận được kết quả thi vào lớp 10, trường THPT công lập năm 2025, nữ sinh V.T.D ở Thanh Hóa đã bỏ nhà đi lang thang rồi mất liên lạc. Trong lúc buồn chán, thất vọng với chính bản thân mình, D đã chọn cách gieo mình xuống làn nước sâu…

Bị hỏng thi, tất nhiên là trẻ buồn và cha mẹ cũng sẽ ít nhiều hụt hẫng. Tuy nhiên, cha mẹ cần ứng xử thế nào để không gặp phải những sự việc đáng tiếc như trên. Theo TS Nguyễn Thị Thu Anh - thành viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển Nhân lực, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội, trong trường hợp con thi trượt, suy cho cùng, chúng ta không thay đổi được kết quả đó. Vì vậy, trước tiên cha mẹ phải bình tĩnh, chấp nhận sự thật và động viên khéo léo với con thay vì chì chiết, trách mắng. Cha mẹ cần hiểu rằng, mình buồn, con cũng buồn nên đừng dồn ép con thêm. Trong thời điểm này, đừng để con cô đơn một mình, nếu có thể hãy cùng con đến những nơi mà con thích để giúp con giảm căng thẳng.
Tiếp đó, hãy cùng con xác định kế hoạch học tập, thống nhất việc đăng ký trường nào tiếp theo; cha mẹ hãy tâm sự để con chia sẻ, hiểu biết được những mong muốn, sở thích và đam mê của con. Hãy động viên con, tin tưởng con rằng, với năng lực, sự cố gắng của con, dù học ở đâu, nếu quyết tâm nỗ lực học tốt con cũng sẽ thành công. Giúp con xem đây là bài học, phải bước qua để làm tốt hơn, để câu chuyện này không lặp lại. Thi trượt chỉ là một thất bại nhỏ, sẽ không đại diện cho tương lai sau này của con, vì vậy, con không được nản chí, nghĩ và hành động tiêu cực. Đặc biệt, trong mọi hoàn cảnh, cha mẹ vẫn sẽ luôn đồng hành cùng con, yêu thương con.
Về phía cha mẹ, con thi trượt, cũng là một cơ hội để cha mẹ tự thay đổi chính mình. Cha mẹ cần điều chỉnh để có cách đồng hành, quan tâm, sát sao cùng con học tập phù hợp hơn trong cả hành trình dài tiếp theo. Khi nhìn thấu mọi chuyện, sự quy kết, dồn nén con cũng giảm bớt, cha mẹ cũng sẽ bớt áp lực hơn.
Chuyên gia Nguyễn Thị Thu Anh cũng đưa ra lời khuyên, không chỉ riêng những kỳ thi lớn, mà cả những bài kiểm tra ở trường, lớp, quá trình học tập, cha mẹ cũng cần sự thay đổi để giảm áp lực cho học sinh. Việc ghi nhận sự tiến bộ của con không chỉ căn cứ vào điểm số ngày 1, ngày 2, mà nên dựa vào sự tiến bộ mỗi ngày của học sinh để khích lệ. Hài lòng với nỗ lực của con, cũng là một sự động viên đáng quý với con trẻ. Cha mẹ đừng so sánh thành công của con với các trẻ khác; đừng tự ti chỉ vì con thi trượt. Khi cha mẹ đặt niềm tin vào con, nhìn ra sở trường, khả năng của con thì con mới có thể tự tin vào bản thân mình.