Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

An Huy
Chia sẻ

(PNTĐ) - Trong nhịp sống hối hả của xã hội hiện đại, nhiều giá trị truyền thống đang dần bị mai một, sợi dây kết nối giữa các thế hệ trong một gia đình cũng lỏng lẻo hơn. Nhưng vẫn có những mái ấm nhiều thế hệ vẫn giữ được sự gắn kết bền chặt như ở gia đình ba thế hệ của chị Hà Việt Anh. Đặc biệt, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu trong gia đình chị đã trở thành nền móng vững chắc cho một tổ ấm hạnh phúc.

Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương - ảnh 1
Chị Hà Việt Anh và mẹ chồng. Ảnh: NVCC 

“Có con dâu, tôi được thêm một đứa con gái!”
Xã hội hiện đại, không ít người vẫn còn ám ảnh với cụm từ “mẹ chồng - nàng dâu”, xem đó là mối quan hệ đầy xung đột, luôn chất chứa nghi kỵ và va chạm. Nhưng ở gia đình chị Hà Việt Anh (SN 1974, công tác tại Cục Tần số vô tuyến điện), tình cảm ấy không chỉ ấm áp, thấu hiểu mà còn là nền tảng vững chắc để nuôi dưỡng hạnh phúc nhiều thế hệ.

Đến tận bây giờ, sau gần 30 năm làm dâu, chị Hà Việt Anh vẫn ấn tượng với hình ảnh dung dị về mẹ chồng trong những ngày đầu tiên. Hôm đó có một người phụ nữ rất đẹp, mặc áo dài, đội nón lá đứng chờ ở cửa nhà, ánh mắt trông ngóng người con dâu mới về làm lễ nhập trạch. Theo tục lệ ở nhiều nơi, mẹ chồng thường tránh mặt trong ngày này với quan niệm để tránh những “xung khắc đầu tiên” nhưng mẹ chồng chị là bà Ngô Thị Mẽ lại chọn cách làm ngược lại, bà ra tận cửa đón con dâu với câu nói đầy tình cảm: “Có con dâu là tôi được thêm một đứa con gái. Tôi phải đứng đón con gái của tôi chứ, sao phải tránh mặt?”. 

Câu nói chân thành cho thấy cách nhìn nhận của một bà mẹ chồng thời hiện đại đã gạt bỏ những lo ngại vốn thường trực trong tâm trí của một nàng dâu mới khi bước vào một gia đình hoàn toàn xa lạ. Nó mở ra hành trình gần 30 năm chung sống giữa ba thế hệ.

Chị Hà Việt Anh chia sẻ, sống cùng bố mẹ chồng, có những khác biệt trong quan điểm sống giữa hai thế hệ là điều khó tránh. Căng thẳng nhất là khi nuôi dạy con cái - một chủ đề luôn nhạy cảm giữa hai thế hệ. Từ chuyện cho trẻ ăn dặm kiểu gì, nêm gia vị ra sao, đến cách rèn thói quen học tập, mọi thứ đều có lúc “lệch pha”…

Cũng có lần, những mâu thuẫn nhỏ âm ỉ khiến chị Việt Anh từng nghĩ đến việc ra ở riêng để chủ động trong cách nuôi dạy con cái. Tuy nhiên, thay vì để những khác biệt trở thành vết rạn, chị lựa chọn cách đối thoại. Chị luôn là người chủ động làm hòa, nhẹ nhàng giải thích, phân tích để mẹ chồng hiểu và ủng hộ quan điểm của mình.

Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương - ảnh 2
Mẹ chồng nàng dâu như hai người bạn tri kỷ

Tuy nhiên, chị Việt Anh cho rằng, dù có lúc hiểu lầm, có lúc tổn thương, nhưng chị luôn tin, mọi góp ý, can thiệp của mẹ chồng đều xuất phát từ tình thương. “Cuộc sống càng hiện đại, càng nhiều căng thẳng, nếu mỗi người biết đặt mình vào vị trí của người khác, sự cảm thông sẽ nảy nở, át chế được những bất đồng”.

Sự tôn trọng và thái độ mềm mỏng ấy không chỉ giúp mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu bền chặt, mà còn lan tỏa tinh thần tích cực đến các thành viên trong gia đình. Người chồng trở thành cầu nối giữa hai thế hệ, vừa lắng nghe mẹ, vừa sẻ chia với vợ, đồng thời tạo điều kiện để cả hai người phụ nữ quan trọng trong cuộc đời mình hiểu và yêu thương nhau hơn.

Chị Hà Việt Anh xúc động khi nhắc đến chuyện mẹ chồng là người đồng hành thầm lặng trong từng chặng đường làm mẹ, làm vợ của mình. Khi chị sinh con thứ hai, bà đã tình nguyện xin nghỉ hưu sớm, dành trọn thời gian chăm sóc cháu để các con yên tâm công tác. “Không một lời than phiền, tôi chỉ nhìn thấy ở bà sự tận tụy và yêu thương vô điều kiện. Những hy sinh không lời ấy đã khiến tôi càng thêm cảm phục và biết ơn mẹ chồng” - chị Việt Anh kể.

Giữ lửa truyền thống, gìn giữ tình thân
Không chỉ vun vén hạnh phúc gia đình bằng sự kiên nhẫn và yêu thương, chị Hà Việt Anh còn là người gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống bằng tất cả sự đam mê và bền bỉ. 

Trong ngôi nhà ba thế hệ, vào những dịp lễ Tết hay các dịp đặc biệt, bố mẹ chồng, vợ chồng chị và các con đều cùng nhau nấu cỗ, gói bánh, làm mứt, trang trí nhà cửa. Bà Ngô Thị Mẽ và con dâu còn là những người duy trì được “bữa trưa gắn kết” với đại gia đình lớn gần 50 thành viên. Đều đặn mỗi năm, gần 50 thành viên họ hàng sẽ cùng đến nhà bà Mẽ để ăn một bữa trưa giản dị. Không khí ấm áp ấy đã trở thành ký ức gắn kết đầy yêu thương với nhiều thành viên trong đại gia đình bà Mẽ. 

Sau gần 30 năm, điều mà chị Hà Việt Anh luôn luôn tâm niệm chính là thái độ sống: Sự chân thành, bao dung, biết lắng nghe chính là “bí quyết” để dung hòa các mối quan hệ, vượt qua khác biệt và xây dựng một mái ấm thực sự.

Xã hội hiện đại, nhiều người mải miết với những mục đích riêng, người theo đuổi sự nghiệp, người quan tâm đến tự do cá nhân…, câu chuyện của gia đình bà Ngô Thị Mẽ và con dâu Hà Việt Anh như một điểm nhấn, rằng “gia đình vẫn luôn là nền tảng sâu bền nhất để nuôi dưỡng một con người lớn lên và sống hạnh phúc”. Một mái ấm mà các thành viên đối đãi với nhau bằng sự chân thành, thấu hiểu và lòng bao dung, sẽ luôn vững chãi trước mọi đổi thay của cuộc sống. “Khi sống tử tế với nhau, mọi khoảng cách đều có thể được lấp đầy bằng tình yêu thương!”- chị Việt Anh khẳng định.

Khi được hỏi, nếu có thể nói một lời thật lòng với mẹ chồng, chị sẽ nói gì? Chị Việt Anh nhẹ nhàng đáp rất nhanh: “Con thương yêu và kính trọng mẹ. Con là con gái của mẹ!” Một câu nói giản dị, nhưng đủ để gói gọn cả một hành trình yêu thương bền bỉ - hành trình từ sự thấu hiểu, đồng hành và lòng tin giữa hai người phụ nữ cùng chung một mục đích “giữ lửa” cho gia đình luôn ấm áp, yêu thương. 

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

(PNTĐ) - Sau 5 lần giảm cân, Nguyễn Tùng Chi (21 tuổi, quê Hải Dương, hiện là sinh viên đại học năm thứ 3 tại Hà Nội) từ 95kg còn 60kg, trở về thân hình cân đối. Giảm được số cân như vậy không hề dễ dàng và phải cần rất nhiều ý chí. Tùng Chi nói cô rất may mắn vì luôn có mẹ ở bên, động viên mình.
Ứng xử thế nào khi con thi trượt

Ứng xử thế nào khi con thi trượt

(PNTĐ) - Vừa qua, khi nhận được kết quả thi vào lớp 10, trường THPT công lập năm 2025, nữ sinh V.T.D ở Thanh Hóa đã bỏ nhà đi lang thang rồi mất liên lạc. Trong lúc buồn chán, thất vọng với chính bản thân mình, D đã chọn cách gieo mình xuống làn nước sâu…
Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

(PNTĐ) - Gần 70% trẻ em từ 10 đến 14 tuổi từng phải hứng chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong chính gia đình của mình. Đáng lo ngại hơn, 7 trong 10 trẻ bị trừng phạt bằng các hành vi bạo lực, để lại những tổn thương dai dẳng cả về thể chất lẫn tinh thần.
Mẹ hãy ly hôn đi

Mẹ hãy ly hôn đi

(PNTĐ) - Tép đẩy nhẹ cánh cửa nhà kho sau vườn, ánh sáng bên ngoài tràn vào, mùi ẩm mốc bên trong bốc lên đặc sệt trong cánh mũi. Thằng nhỏ nheo mắt để làm quen với bóng tối trong kho, nó nhận ra những ngón chân của mẹ thò ra sau chiếc thùng phi bằng nhựa.