Liên kết vùng - Động lực phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô
(PNTĐ) - Công nghiệp văn hóa (CNVH) đang dần trở thành một trong những trụ cột của nền kinh tế hiện đại, góp phần tạo dựng sức mạnh mềm và hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế. Trong bối cảnh đó, việc thúc đẩy liên kết vùng nhằm tạo ra các sản phẩm CNVH có giá trị gia tăng cao không chỉ là nhu cầu phát triển của Thủ đô Hà Nội mà còn là xu thế tất yếu đối với cả vùng đồng bằng sông Hồng.
Khai thác hiệu quả tài nguyên văn hóa trong công nghiệp văn hóa
Hội thảo “Giải pháp liên kết vùng trong phát triển một số sản phẩm công nghiệp văn hóa Thủ đô với một số tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030”, diễn ra ngày 13/5 tại Hà Nội, đã mở ra nhiều góc nhìn sâu sắc từ giới chuyên gia, nhà quản lý và đại diện các địa phương như Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Ninh, Ninh Bình… về con đường khai thác hiệu quả tài nguyên văn hóa thông qua công nghiệp hóa.

TS. Lê Ngọc Anh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội - khẳng định: Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0, công nghiệp văn hóa không chỉ là một ngành kinh tế mới mà còn là một hướng đi chiến lược giúp khẳng định bản sắc và nâng cao vị thế quốc gia. Ở Việt Nam, sự phát triển CNVH không tách rời mục tiêu bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, mà ngược lại, trở thành lực đẩy cho lòng tự hào và sự tự tin trong quá trình hội nhập quốc tế.
Với Hà Nội - vùng đất ngàn năm văn hiến, nơi tập trung nhiều di sản vật thể và phi vật thể bậc nhất cả nước - việc phát triển CNVH càng mang ý nghĩa đặc biệt. Thành phố đã và đang triển khai các giải pháp thiết thực để đưa văn hóa trở thành lực lượng nội sinh trong phát triển kinh tế. Trong đó, liên kết vùng được xác định là chìa khóa để mở rộng không gian phát triển, tận dụng tiềm năng của từng địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng để hình thành nên các sản phẩm công nghiệp văn hóa độc đáo, có sức cạnh tranh cao.
Liên kết vùng trong CNVH không chỉ đơn thuần là hợp tác giữa các địa phương, mà còn là quá trình tạo dựng chuỗi giá trị từ sáng tạo, sản xuất đến phân phối và tiêu dùng sản phẩm. Qua đó, giá trị kinh tế của văn hóa được phát huy song song với vai trò giữ gìn, lan tỏa tinh thần dân tộc và sáng tạo thời đại.
Hướng đi chiến lược trong tương lai
Các tham luận tại hội thảo đã đi sâu phân tích nhiều nội dung cốt lõi như: khái niệm CNVH, nội hàm của sản phẩm văn hóa, yếu tố liên kết vùng, các chủ thể tham gia phát triển sản phẩm, kinh nghiệm quốc tế và những bài học có thể vận dụng cho Hà Nội.

Tiêu biểu, TS. Đỗ Thị Liên Vân (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội) đã trình bày nhiệm vụ “Giải pháp liên kết vùng trong phát triển một số sản phẩm công nghiệp văn hóa Thủ đô với một số tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030”. Nghiên cứu tập trung vào ba nhóm ngành có nhiều tiềm năng: du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, và thủ công mỹ nghệ - những lĩnh vực vốn là thế mạnh truyền thống của Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Bên cạnh đánh giá thực trạng liên kết từ năm 2020 đến nay, các chuyên gia cũng dự báo những xu hướng phát triển CNVH đến năm 2030, từ đó đề xuất những nhóm sản phẩm trọng tâm và giải pháp tương ứng. Một số đề xuất đáng chú ý bao gồm: xây dựng bộ tiêu chí nhận diện hiệu quả liên kết vùng, hình thành các mô hình “cụm CNVH”, đẩy mạnh vai trò không gian sáng tạo, và ứng dụng chuyển đổi số trong quảng bá, phân phối sản phẩm văn hóa.
PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ - nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội - nhấn mạnh vai trò đầu tàu của Hà Nội trong chuỗi liên kết. Theo ông, Thủ đô cần chủ động xác lập vai trò dẫn dắt, định hướng phát triển các sản phẩm dịch vụ văn hóa mang tính đại diện, có uy tín, hấp dẫn và đậm đà bản sắc. Các sản phẩm được lựa chọn phải hội tụ đầy đủ các yếu tố như khả năng quảng bá rộng rãi, sức cạnh tranh cao, có thể xây dựng thương hiệu riêng và góp phần hình thành thẩm mỹ văn hóa cho người tiêu dùng, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Cùng quan điểm này, PGS.TS Trần Thị Ngọc Quyên (Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội) cho rằng: Một sản phẩm văn hóa chỉ thực sự lan tỏa khi được đặt trong không gian sáng tạo - nơi cộng đồng được truyền cảm hứng và tham gia vào chuỗi giá trị. Phát triển các trung tâm sáng tạo văn hóa không chỉ mở ra cơ hội tiếp cận khách hàng mà còn khơi dậy tiềm năng văn hóa nội sinh của mỗi địa phương. Theo bà, liên kết vùng sẽ giúp hình thành những “cụm CNVH” có thể trở thành điểm đến du lịch văn hóa đặc sắc, đồng thời là hạt nhân của nền kinh tế sáng tạo.

Không chỉ dừng lại ở các đề xuất, hội thảo cũng ghi nhận nhiều ý kiến cụ thể về cơ chế chính sách, như: tăng cường phối hợp liên ngành, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sáng tạo văn hóa, tạo điều kiện tiếp cận thị trường và vốn đầu tư, nâng cao năng lực quản trị văn hóa cho các chủ thể trong vùng.
Liên kết vùng trong công nghiệp văn hóa không chỉ là một phương thức tổ chức phát triển kinh tế mà còn là bước đi chiến lược để khẳng định bản sắc, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và xây dựng sức mạnh mềm cho quốc gia. Với vai trò trung tâm vùng đồng bằng sông Hồng, Hà Nội hoàn toàn có thể trở thành hạt nhân kiến tạo mạng lưới sản phẩm văn hóa đặc trưng, mang dấu ấn địa phương nhưng giàu giá trị quốc tế - góp phần vẽ nên chân dung một Thủ đô hiện đại, sáng tạo và hội nhập.